Cần giảm lượng khí thải carbon từ hoạt động phục hồi kinh tế sau đại dịch

Thứ năm, 4/11/2021 | 16:06 GMT+7
Ngày 4/11, nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Exeter (Anh) và các đối tác công bố một nghiên cứu về lượng khí thải carbon trên toàn cầu.

Theo nghiên cứu, lượng khí thải carbon đã tăng trở lại gần bằng mức trước đại dịch, chủ yếu trong số chúng là từ việc đốt than và khí tự nhiên phục vụ cho lĩnh vực điện và công nghiệp.

Cụ thể, lượng khí thải carbon từ nhiên liệu hóa thạch giảm 5,4% (1,9 tỷ tấn) vào năm 2020 trong bối cảnh thế giới phải giãn cách, phong tỏa do đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, báo cáo cũng dự báo lượng khí thải sẽ tăng 4,9% trong năm nay, với tổng lượng khí thải lên đến 36,4 tỷ tấn carbon.

Việc sử dụng than và khí đốt được dự báo sẽ tiếp tục tăng nhiều hơn trong năm 2021 và cao hơn so với mức giảm vào năm 2020.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, các quốc gia phát thải lớn như Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu đã cho thấy lượng khí thải năm 2021 có xu hướng giảm như trước đại dịch Covid-19, trong khi ở Ấn Độ lượng khí thải CO2 có xu hướng tăng và ở Trung Quốc cũng đã tăng phát thải CO2 nhiều hơn.

Một lượng khí thải lớn phát sinh từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch trong các ngành công nghiệp 

Nhóm nghiên cứu bao gồm các nhà khoa học từ Đại học Exeter, Đại học East Anglia (Anh), tổ chức CICERO và Đại học Stanford nhận định, khó có thể cắt giảm lượng khí thải vào năm 2022 nếu vận tải đường bộ, hàng không hoạt động trở lại như trước đại dịch và lượng sử dụng than vẫn giữ như hiện tại.

GS. Pierre Friedlingstein, người đứng đầu nghiên cứu, thuộc Đại học Exeter cho biết: “Sự gia tăng nhanh chóng lượng khí thải khi các nền kinh tế phục hồi sau đại dịch khiến chúng ta phải thực hiện những hành động toàn cầu khẩn cấp để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu”.

Trong khi, việc chủ động đầu tư cho phát triển kinh tế xanh trong các kế hoạch phục hồi sau Covid của một số quốc gia vẫn chưa đủ để giúp các nước này giảm sự gia tăng lượng phát thải so với trước đại dịch.

Để nền kinh tế phục hồi bền vững, lượng khí thải CO2 phải giảm về 0 vào năm 2050 thì phải có sự chung tay, thống nhất của các quốc gia, khu vực.

GS. Corinne Le Quéré, khoa Khoa học Môi trường thuộc Đại học East Anglia, thành viên nhóm nghiên cứu phân tích, sẽ cần một khoảng thời gian để thấy được toàn bộ tác động của đại dịch Covid đối với lượng khí thải CO2 toàn cầu, nhưng nhiều tiến bộ đã được ghi nhận trong việc khử carbon ở lĩnh vực năng lượng. Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 đã tạo cơ hội cho năng lượng tái tạo như điện gió tiếp tục phát triển. Để đạt được mục tiêu trên, các khoản đầu tư mới và chính sách khí hậu cần được hỗ trợ một cách có hệ thống nhiều hơn cho nền kinh tế xanh hiện nay, cũng như giúp đẩy lùi, thay thế việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Giáo sư Friedlingstein nhận định, để đạt tới phát thải ròng bằng 0 trong ba thập kỷ tới, cần phải giảm đáng kể lượng CO2.

“Những gì cần phải làm hàng năm từ nay đến năm 2050 là giảm mức độ phát thải xuống mức tương đương với mức trong cuộc khủng hoảng Covid-19”, ông Pierre Friedlingstein nói.

Lâm Bảo