Việt Nam cam kết giảm phát thải metan, tăng bảo tồn rừng, sử dụng đất bền vững

Thứ tư, 3/11/2021 | 10:48 GMT+7
Ngày 2/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu tại sự kiện công bố Cam kết giảm phát thải metan toàn cầu, thông qua Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất.

Sự kiện được tổ chức nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26). Khí metan sinh ra từ việc sản xuất, xử lý rác thải thiếu khoa học, không bền vững là một trong những nguyên nhân chính làm tăng nhiệt độ trái đất. Việc Việt Nam tham gia Cam kết giảm phát thải metan toàn cầu phù hợp với định hướng chiến lược phát triển bền vững của đất nước và xu thế chung của thế giới.

Ngược lại, các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ cam kết sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế về tài chính, chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực, góp phần nâng tính cạnh tranh của nền kinh tế thông qua áp dụng công nghệ mới, ít phát thải metan nói riêng và phát thải khí nhà kính nói chung.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại sự kiện công bố Cam kết giảm phát thải metan toàn cầu

Tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cảm ơn Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen vì lời mời tham dự sự kiện và đánh giá cao sáng kiến cam kết giảm phát thải khí metan toàn cầu. Thủ tướng nhấn mạnh, sáng kiến là lựa chọn đúng đắn dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn, là giải pháp nhanh nhất, hiệu quả nhất về chi phí và lợi ích cho tình trạng khẩn cấp khí hậu hiện nay.

Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất rút ngắn khoảng cách cam kết giảm phát thải với trình độ phát triển giữa các nước để đạt trung hòa carbon vì an toàn cho trái đất và sự thịnh vượng, hạnh phúc của các thế hệ mai sau. 

Trong đó, các nước phải cùng đoàn kết thống nhất trên nguyên tắc công bằng, công lý và hành động quyết liệt, chung tay ngăn chặn, đẩy lùi làm giảm sự gia tăng của khí thải metan. Đây là vấn đề toàn cầu cho nên phải có cách tiếp cận toàn cầu và cũng là vấn đề ảnh hưởng đến toàn dân vì thế chúng ta phải có cách tiếp cận toàn dân.

Các nước cần xây dựng lộ trình với những giải pháp cụ thể, toàn diện, có tính thực tiễn cao, cần kích hoạt tất cả các cơ chế của Thỏa thuận Paris bao gồm: cơ chế minh bạch, thị trường trao đổi tín chỉ; các nước phát triển, các nước giàu, nhất là Mỹ và Liên minh châu Âu cần chia sẻ, hỗ trợ các nước đang phát triển, các nước nghèo về tài chính khí hậu, chuyển đổi sang kinh tế xanh, tuần hoàn, carbon thấp; loại bỏ những rào cản trong chuyển giao, tiếp cận công nghệ mới, phát triển nguồn nhân lực, quản trị tiên tiến… giúp các nước tham gia quá trình làm giảm phát thải metan một cách hiệu quả, góp phần bảo vệ hành tinh chung luôn xanh, sạch.

Được biết, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cũng đã tham dự sự kiện công bố Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất.

Việc Việt Nam tham gia Tuyên bố phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước ta về ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn rừng và sử dụng đất bền vững, thể hiện sự chủ động và tích cực của nước ta trong tham gia xử lý các vấn đề toàn cầu. Khi tham gia Tuyên bố, Việt Nam thể hiện được trách nhiệm của mình với môi trường, hệ sinh thái chung của trái đất, đồng thời sẽ được hỗ trợ về tài chính, công nghệ, tri thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực sử dụng đất và phát triển rừng, góp phần đẩy mạnh việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) về xóa đói nghèo, phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam và các cam kết theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Thanh Tâm (T/H)