Nghiên cứu - Trao đổi

Cây liễu có thể xử lý nước thải

Thứ hai, 28/6/2021 | 15:39 GMT+7
Mới đây, các nhà khoa học đã tiết lộ rằng cây liễu có thể làm sạch nước thải đô thị, đồng thời tạo ra các loại vật liệu hữu ích.

Hiện nay, ngay cả với các công nghệ xử lý nước thải khác nhau, một lượng lớn nước thải đô thị không thể xử lý hoặc chưa được xử lý hoàn toàn đã bị thải ra các đường dẫn nước và môi trường.

Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Khoa học về môi trường tổng thể, những cây liễu có thể giải quyết vấn đề này, chúng được sử dụng để làm sạch nước thải, đồng thời tạo ra các vật liệu hữu ích.

Cây liễu được biết đến với khả năng chịu đựng rất tốt các chất ô nhiễm mà chúng hấp thụ qua rễ bao gồm cả lượng nitơ có trong nước thải thô. Do đó, các nhà khoa học từ Đại học Montréal (Canada) và Đại học Hoàng gia London (Anh) đã quyết định thử sử dụng cây xanh để lọc các chất bẩn, độc hại ra khỏi nước thải.

Cây liễu phát triển nhanh chóng và chịu được các chất gây ô nhiễm trong nước mà chúng hấp thụ

Theo đó, các nhà nghiên cứu đã dành ra hai khu đất ở Quebec (Canada) để trồng cây liễu. Trong đó, một khu không được tưới tiêu, để cây phát triển tự nhiên; khu còn lại được tưới bằng nước thải đô thị với 29,5 triệu lít/ha mỗi năm. Sau 3 năm tiến hành trồng nghiên cứu, các nhà khoa học đã chọn 3 cây liễu ngẫu nhiên từ mỗi khu đất để đưa vào phân tích.

Thật đáng ngạc nhiên, kết quả thu được cho thấy rằng, các cây được tưới nước thải đô thị có lượng sinh khối trên mặt đất gấp 3 lần so với các cây không được tưới nước. Loại sinh khối này có thể chế biến thành nhiên liệu sinh học thân thiện với môi trường, trở thành vật liệu hữu ích trong tương lai.

Bên cạnh đó, loại vật liệu mới này còn chứa một lượng lớn axit salicylic - một nhóm chất có tác dụng kháng viêm, giảm đau trong y học cùng với nhiều hóa chất hữu ích khác mà trước đây chưa từng được tìm thấy trong cây liễu. Những hợp chất này hiện đều được biết đến với đặc tính chống oxy hóa, chống ung thư, chống viêm và kháng khuẩn đáng kể.

Giáo sư Frédéric Pitre thuộc Đại học Montréal, người giám sát nghiên cứu cho biết, tất cả nước thải đã được cây liễu hấp thụ, điều này có nghĩa là không còn lại gì để thải ra môi trường. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra rằng, vào mùa đông, khi cây liễu ngủ đông, quá trình xử lý nước thải không còn hiệu quả. Dù vậy, kết quả bước đầu vẫn cho thấy rất nhiều hứa hẹn của việc ứng dụng cây liễu trong xử lý nước thải.

Tác giả chính của nghiên cứu, nghiên cứu sinh Eszter Sas của Đại học Montréal đánh giá, thật đáng kinh ngạc là vẫn còn rất nhiều chất hóa học thực vật mới được phát hiện khi tiến hành thí nghiệm trên, ngay cả ở những cây liễu đã có từ hàng ngàn năm trước.

Có vẻ như chúng ta chỉ mới chạm đến mặt ngoài của sự phức tạp trong nghiên cứu về các chất hóa học tự nhiên của cây liễu, trước mắt các chất này có thể được sử dụng để giải quyết các vấn đề môi trường, Eszter Sas chia sẻ.

Ngọc Huyền (Theo New Atlas)