Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) khuyến cáo, các quốc gia nên sử dụng công nghệ viễn thám để xây dựng bộ dữ liệu hiện trạng sử dụng đất, lớp phủ bề mặt, bản đồ địa lý theo vùng sinh thái và bản đồ thổ nhưỡng để trích xuất số liệu cập nhật phục vụ cho kiểm kê khí nhà kính.
Theo đó, nhóm tác giả của Cục Viễn thám quốc gia đã nghiên cứu và đề xuất các giải pháp triển khai thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học "Nghiên cứu tính toán hàm lượng phát thải carbon sử dụng tư liệu viễn thám phục vụ việc kiểm kê khí nhà kính. Thực nghiệm ảnh VNREDSat-1 và các nguồn ảnh hiện có tại Việt Nam".
Đề tài tập trung nghiên cứu sử dụng một số loại ảnh hiện có tại Việt Nam để thử nghiệm tính toán phát thải cho vùng Tây Nguyên với các loại tỷ lệ tương ứng đi kèm các đặc trưng theo tỉnh, theo vùng. Trên cơ sở đó sẽ đưa ra quy định dữ liệu đầu vào, quy trình và thực nghiệm phù hợp tính toán phát thải carbon.
Đây là nghiên cứu đầu tiên tại Việt Nam về tính toán phát thải khí nhà kính sử dụng công nghệ viễn thám và GIS kết hợp phần mềm tính toán phát thải, là cơ sở quan trọng để xây dựng quy trình công nghệ tính toán hàm lượng phát thải carbon tiêu chuẩn của Ủy ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu phục vụ kiểm kê khí nhà kính.
Ứng dụng ảnh viễn thám giúp tính toán hàm lượng khí thải carbon
Đề án này giúp giải quyết vấn đề kiểm kê trong lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp (LULUCF). Đây là một trong năm lĩnh vực phải được kiểm kê để phục vụ các Thông báo quốc gia cho UNFCCC và được kỳ vọng là căn cứ để giảm phát thải cho việc thực hiện Đóng góp quốc gia tự quyết định (INDC) của Việt Nam.
Theo ông Lê Quốc Hưng, Phó Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia, chủ nhiệm đề tài, sau khi triển khai nghiên cứu, đề tài đã đưa ra tổng quan về phát thải khí nhà kính và các văn bản quy định kiểm kê khí nhà kính phục vụ định hướng nghiên cứu; nghiên cứu được cơ sở khoa học của công nghệ viễn thám trong việc xây dựng dữ liệu tính toán phát thải carbon; phân tích làm sáng tỏ hệ thống phân loại lớp phủ mặt đất bằng dữ liệu ảnh viễn thám, đánh giá khả năng phù hợp cho tính toán phát thải carbon. Đồng thời đề xuất, xây dựng các quy định kỹ thuật của bộ dữ liệu phục vụ tính toán phát thải carbon sử dụng tư liệu viễn thám.
Trên cơ sở các định hướng, phân tích, kết hợp nghiên cứu các chức năng và cơ chế tính toán của phần mềm tính toán phát thải khí nhà kính ALU, nhóm nghiên cứu đã đề xuất và hoàn thiện được quy trình ứng dụng công nghệ viễn thám xây dựng dữ liệu phục vụ tính toán phát thải khí carbon sau quá trình thực nghiệm sử dụng nhiều loại dữ liệu ảnh viễn thám với độ phân giải khác nhau.
Đánh giá về kết quả của đề tài, ông Nguyễn Quốc Khánh, Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia khẳng định tính hữu dụng của phương pháp tính toán phát thải khí carbon sử dụng tư liệu viễn thám với sự minh bạch, đa thời gian, cập nhật thông tin. Đây cũng là cơ sở khoa học quan trọng góp phần đưa ra các định hướng về phương pháp tính toán phát thải carbon sử dụng công nghệ viễn thám trong thời gian tới
Gia Linh (T/H)