Năng lượng tái tạo

Chia sẻ giải pháp thúc đẩy tiến trình phát triển năng lượng xanh, sạch và bền vững

Thứ tư, 27/9/2023 | 14:09 GMT+7
Các đại biểu tham gia diễn đàn “Thúc đẩy tiến trình phát triển năng lượng xanh, sạch và bền vững tại Việt Nam” đã trao đổi, làm rõ thực trạng tiến trình phát triển năng lượng, đánh giá những cơ hội, thách thức cần đối mặt, thông qua đó đưa ra các đề xuất nhằm đẩy mạnh hơn nữa tiến trình phát triển năng lượng xanh, sạch và hướng tới phát triển bền vững ở nước ta.

Ngày 27/9, tại Hà Nội, Tạp chí Năng lượng Sạch Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương tổ chức diễn đàn “Thúc đẩy tiến trình phát triển năng lượng xanh, sạch và bền vững tại Việt Nam”.

Chương trình có sự đồng hành của Tổng Công Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS).

Nhận diện các thách thức

Trình bày tham luận tại hội thảo, ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, nhờ các chính sách khuyến khích, đồng bộ với các mục tiêu phát triển đã đặt ra, năng lượng tái tạo ở Việt Nam đã có sự phát triển nhanh. Tính đến cuối năm 2022, tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống đạt khoảng 79.350MW, trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) là 20.165MW và chiếm tỷ trọng 25,4%.

Việc phát triển nhanh các nguồn điện năng lượng tái tạo đã bổ sung công suất và sản lượng cho hệ thống điện quốc gia, khai thác tiềm năng, lợi thế của Việt Nam, giảm phát thải khí nhà kính, huy động được vốn đầu tư xã hội, giảm lệ thuộc vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu như than, dầu, khí có nhiều biến động mạnh trong những năm qua.

Theo Quy hoạch điện VIII được duyệt, về nguồn điện sẽ tiếp tục đẩy mạnh các nguồn năng lượng tái tạo so với trước đây (điện gió trên bờ tăng từ 16.000 MW (11%) vào năm 2030 tới 56.000 MW (14,4%) vào năm 2045; điện gió ngoài khơi tăng từ 7.000 MW (4,8%) vào năm 2030 lên tới 64.500 MW (16,6%) vào năm 2045; điện mặt trời quy mô lớn tăng từ khoảng 8.700 MW (6%) vào năm 2030 lên tới 76.000 MW (19,6%) vào năm 2045.

Tuy nhiên, đầu tư các dự án năng lượng tái tạo có nhu cầu về vốn lớn, rủi ro cao do công suất và sản lượng phụ thuộc thời tiết, khí hậu, khả năng thu hồi vốn lâu do suất đầu tư và giá điện cao hơn nguồn năng lượng truyền thống.

Diễn đàn “Thúc đẩy tiến trình phát triển năng lượng xanh, sạch và bền vững tại Việt Nam”

“Thách thức lớn nhất đối với phát triển năng lượng tái tạo nằm ở vốn đầu tư và khả năng thu xếp vốn của chủ đầu tư, trong đó, rào cản tài chính là yếu tố cản trở việc thực hiện một dự án kinh tế do thiếu tiếp cận với nguồn tài chính phù hợp. Bên cạnh đó, thách thức về việc sử dụng đất, vốn đầu tư, đấu nối, giải tỏa công suất, cơ chế chính sách là những vấn đề đáng quan tâm trong quá trình định hướng, xây dựng chính sách phát triển nguồn điện tái tạo. Chưa có những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống điện mặt trời, điện gió”, ông Bùi Quốc Hùng chia sẻ.

Bên cạnh đó, năng lực và trình độ công nghệ trong nước còn hạn chế, thiếu cơ sở hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ hỗ trợ sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế thiết bị. Tỷ lệ nội địa hóa công nghệ ngành năng lượng thấp, thiếu cơ chế hỗ trợ và thúc đẩy nội địa hóa công nghệ.

Đặc biệt, việc phát triển điện năng lượng tái tạo thời gian qua cũng đã bộc lộ một số bất cập trong công tác quy hoạch, quản lý đầu tư xây dựng và khai thác các dự án điện gió điện mặt trời; phát triển chưa đồng bộ với hệ thống truyền tải dẫn đến nghẽn mạch phải giảm phát…

Nói về hành lang pháp lý đầu tư công nghệ xanh, công nghệ năng lượng tái tạo, bà Phạm Thanh Trà, chuyên viên Vụ pháp chế, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: Đảng, nhà nước và quy định pháp luật tại các văn bản Luật khuyến khích tổ chức, cá nhân, các ngành, lĩnh vực ứng dụng, đầu tư, phát triển công nghệ sạch (công nghệ xanh), đầu tư năng lượng tái tạo.

Hiện nay, hành lang pháp lý đầu tư công nghệ xanh, đầu tư năng lượng tái tạo và mối quan hệ giữa công nghệ xanh, năng lượng tái tạo đang mang tính mở. Các quy định về đầu tư công nghệ xanh, đầu tư năng lượng tái tạo chưa có quy định cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, thể hiện quan điểm, mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đối với pháp triển tăng trưởng xanh (bao gồm có công nghệ xanh); phát triển năng lượng tái tạo; mối quan hệ giữa tăng trưởng xanh (công nghệ sạch, công nghệ xanh) với năng lượng tái tạo. Đây là bước tiến lớn, là cơ sở để các Bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện và từng bước đề xuất, xây dựng, hoàn thiện các chính sách, quy định pháp luật thúc đẩy đầu tư pháp triển công nghệ xanh (công nghệ sạch), năng lượng tái tạo.

Một số giải pháp để đẩy mạnh phát triển năng lượng xanh, sạch và bền vững

TS. Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho rằng, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng xanh và sạch là một trong những giải pháp then chốt và cũng là những điều kiện tiên quyết để hiện thực hóa các mục tiêu: cam kết của Chính phủ Việt Nam với quốc tế về mục tiêu phát thải ròng của Việt Nam bằng 0 vào thời điểm năm 2050; Nghị quyết của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia tới năm 2030, tầm nhìn tới 2045 (Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020); Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định 893/QĐ-TTg 2023).

Các dự án đầu tư trong lĩnh vực năng lượng sạch và xanh nói riêng, năng lượng nói chung cần một khối lượng và quy mô rất lớn. Do đó, nếu không huy động được nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài thì Việt Nam không thể hiện thực hóa các mục tiêu đã cam kết. Vì vậy, đẩy mạnh và tăng cường hợp tác, thu hút đầu tư nước ngoài sẽ là chìa khóa để thực hiện mục tiêu phát triển năng lượng sạch và xanh của Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Thập khẳng định.

Các đại biểu đã trao đổi, thảo luận để đưa ra những đề xuất nhằm đẩy mạnh hơn nữa tiến trình phát triển năng lượng xanh, sạch và hướng tới phát triển bền vững

Về những giải pháp thúc đẩy tiến trình phát triển năng lượng xanh, sạch và bền vững thời gian tới, ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo chia sẻ, Quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đã được phê duyệt, tuy nhiên Chính phủ cần sớm phê duyệt Kế hoạch thực hiện các Quy hoạch này để làm cơ sở cho việc triển khai các dự án năng lượng. Quy hoạch không gian biển cũng phải ban hành đồng bộ với các Quy hoạch này.

Bên cạnh đó, các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia cho năng lượng tái tạo cũng cần sớm ban hành để có cơ sở áp dụng, thực hiện. Xem xét nghiên cứu xây dựng và trình ban hành Luật Năng lượng tái tạo. Cần có các cơ chế về giá cho các loại hình năng lượng: than, khí LNG, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối.

Đồng thời, cần nâng cao năng lực và trình độ công nghệ của ngành năng lượng; nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ hỗ trợ năng lượng. Tiếp theo cần cải thiện hành lang pháp lý, đồng bộ các quy định và luật để thúc đẩy sử dụng hiệu quả năng lượng, phát triển thị trường năng lượng mới và năng lượng tái tạo. Đẩy mạnh trình độ khoa học công nghệ để vận hành, làm chủ các công nghệ liên quan đến năng lượng sạch, ít phát thải…

Phát triển đồng bộ nguồn và lưới điện; thực hiện đầu tư phát triển điện lực cân đối giữa các vùng, miền trên cơ sở sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng sơ cấp của mỗi vùng, miền; hạn chế tối đa việc xây dựng mới các đường dây truyền tải điện liên miền. Cũng cần phải tăng cường việc liên kết lưới điện với các nước trong khu vực nhằm hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo trong nước có hiệu quả.

Tâm Hương