Chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp đột phá trong xây dựng đô thị thông minh

Thứ sáu, 20/5/2022 | 15:25 GMT+7
Ngày 20/5, hội thảo quốc tế “Đô thị thông minh: Kinh nghiệm của một số nước Tây, Bắc Âu và tầm nhìn Đà Nẵng” khai mạc tại thành phố Đà Nẵng.

Hội thảo do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phối hợp với UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức.

Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cho biết, phát triển đô thị trong kỷ nguyên số là một vấn đề được Đảng, Nhà nước Việt Nam hết sức quan tâm… Ngày 24/1/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bà Nguyễn Phương Nga tin tưởng, hội thảo sẽ góp phần thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2045, Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống, đạt đẳng cấp khu vực châu Á.

Hội thảo “Đô thị thông minh: Kinh nghiệm của một số nước Tây, Bắc Âu và tầm nhìn Đà Nẵng”

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh, Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mục tiêu đến năm 2030 “Hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN”.

Năm 2010, thành phố Đà Nẵng ban hành Kiến trúc chính quyền điện tử và năm 2014 đưa vào sử dụng Hệ thống thông tin chính quyền điện tử thành phố. Năm 2018, thành phố ban hành Kiến trúc thành phố thông minh bao gồm 6 trụ cột và 16 lĩnh vực ưu tiên; chính thức triển khai Đề án xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Năm 2021, Đà Nẵng ban hành Đề án Chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định chuyển đổi số là “chìa khóa” để giải quyết “điểm nghẽn” của thành phố.

Ông Hồ Kỳ Minh nhấn mạnh: Đà Nẵng đã đặt ra nhiều giải pháp quan trọng để triển khai thành phố thông minh thành công, trong đó tăng cường hợp tác với các tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp trong nước và quốc tế để nhận được sự hỗ trợ, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm, tiếp cận và chuyển giao công nghệ và hỗ trợ nguồn lực tài chính. Đề nghị các cơ quan, doanh nghiệp từ các quốc gia Tây, Bắc Âu tiếp tục quan tâm, hỗ trợ cho thành phố cả về chuyên gia, công nghệ và nguồn lực tài chính để xây dựng thành công thành phố thông minh; hỗ trợ các doanh nghiệp Đà Nẵng kết nối, mở rộng thị trường, đưa các giải pháp công nghệ số của Đà Nẵng/Việt Nam ra thị trường quốc tế.

Tại hội thảo, các diễn giả đã chia sẻ kinh nghiệm, mô hình thực tế về giao thông thông minh tại Áo, xây dựng đô thị thông minh tại Anh, Hà Lan... cũng như tổng quan xây dựng đô thị thông minh, các chính sách phát triển đô thị thông minh của Việt Nam.

Ông Hans-Peter Glanzer, Đại sứ Cộng hòa Áo tại Việt Nam cho biết, trên toàn cầu các thành phố thông minh đang trở thành yếu tố tiên phong cho sự phát triển bền vững trong tương lai. Ngày càng nhiều người di chuyến đến sinh sống ở các thành phố, Việt Nam cũng vậy, tỷ lệ này đang tăng lên. Vienna - Thủ đô của Áo với gần 2 triệu dân, đã thông qua Chiến lược khung về thành phố thông minh vào năm 2014. Chiến lược khung này đã được cập nhật, sửa đổi vào năm 2019, xác định chất lượng cuộc sống cao cho mọi người ở Vienna thông qua đổi mới xã hội và kỹ thuật trong mọi lĩnh vực, đồng thời bảo tồn tối đa các nguồn tài nguyên.

Chiến lược cũng đặt ra mục tiêu, mức độ phát thải CO2 trên đầu người trong lĩnh vực giao thông vận tải giảm 50% vào năm 2030 và 100% vào năm 2050. Việc chia sẻ phương tiện đi lại tại Vienna được thực hiện bởi hình thức vận tải thân thiện với môi trường bao gồm đi bộ, đi xe đạp, phương tiện giao thông công cộng hoặc đi chung xe ô tô…

Đà Nẵng hướng tới mục tiêu trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo 

Theo ông Daniel Coenraad Stork, Tổng lãnh sự Vương quốc Hà Lan tại TPHCM, thành phố thông minh là một phần của chương trình nghị sự và phát triển đô thị bền vững tại Hà Lan. Đó là việc nâng cao khả năng sống, tính bền vững và tính toàn diện của thành phố. Thành phố thông minh là một hành trình liên tục, không phải là điểm đến cuối cùng. Các thành phố thay đổi với tốc độ chóng mặt, thật khó để dự đoán người dân sẽ cần và ước gì trong 30 năm tới. Giống như Đà Nẵng, du lịch rất quan trọng đối với Hà Lan. Xem xét đầy đủ các tác động kinh tế, xã hội và môi trường hiện tại và tương lai, Hà Lan đặt mục tiêu phát triển thành một điểm đến đáng sống, phổ biến và có giá trị trong tương lai.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông và các sở, ban, ngành liên quan chủ động nghiên cứu các mô hình, tiêu chuẩn, giải pháp đã chia sẻ tại hội thảo để đưa vào triển khai các chương trình, dự án thành phố thông minh; đảm bảo phù hợp với thực tiễn tại thành phố và tiếp cận xu hướng, tiêu chuẩn của thế giới.

Nhã Quyên