Văn hóa, du lịch

Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030

Chủ nhật, 5/3/2023 | 09:29 GMT+7
Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030.

Chiến lược nhằm quảng bá, định vị Việt Nam là điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam, góp phần thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.

Bên cạnh đó, Chiến lược còn nhằm cải thiện vị trí xếp hạng của Việt Nam về các chỉ số liên quan đến marketing du lịch như: phát triển thương hiệu điểm đến quốc gia, mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp các dịch vụ du lịch, mức độ cạnh tranh về giá...

Quảng bá, định vị Việt Nam là điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu khu vực Đông Nam Á

Theo chiến lược, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt mục tiêu đến năm 2025, ngành du lịch Việt Nam sẽ phục hồi và phấn đấu đón 18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 130 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 8 - 9%/năm. Đến năm 2030, đón 35 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng từ 13 - 15%/năm; phục vụ 160 triệu lượt khách nội địa, tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 4 - 5%/năm.

Chiến lược cũng sẽ tiếp tục làm nổi bật giá trị cốt lõi của thương hiệu du lịch Việt Nam gắn với tiềm năng, lợi thế quốc gia, bản sắc văn hóa, ẩm thực đặc sắc, di sản lâu đời; gắn thương hiệu du lịch Việt Nam với thương hiệu du lịch vùng, thương hiệu điểm đến địa phương, thương hiệu sản phẩm du lịch.

Thông qua chiến lược, Việt Nam tiếp tục quảng bá thương hiệu du lịch với tiêu đề và biểu tượng “Vietnam - Timeless Charm” đối với thị trường khách du lịch quốc tế và “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận” đối với thị trường khách du lịch nội địa. Phát triển các tiêu đề, biểu tượng nhánh phù hợp với các thị trường mục tiêu theo từng giai đoạn. Tập trung tiếp thị các nhóm sản phẩm du lịch chủ yếu gồm: du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa; du lịch sinh thái; du lịch đô thị, trong đó tập trung vào các đô thị trọng điểm như Hạ Long (Quảng Ninh), Nha Trang (Khánh Hòa), Phan Thiết (Bình Thuận), Phú Quốc (Kiên Giang), Đà Lạt (Lâm Đồng), Sa Pa (Lào Cai); gắn kết du lịch với phát triển kinh tế ban đêm.

Ngoài ra, với Chiến lược Marketing, Việt Nam sẽ đẩy mạnh phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch mới như du lịch kết hợp chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe; du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch công nghiệp; du lịch thể thao; các sản phẩm phục vụ nhu cầu đa dạng của khách du lịch như: MICE, du lịch giáo dục, du lịch du thuyền, du lịch làm đẹp.

Về định hướng thị trường quốc tế, giai đoạn 2022 - 2025, Việt Nam phục hồi các thị trường truyền thống; kết hợp thu hút các thị trường mới nổi như Ấn Độ, các nước Trung Đông. Giai đoạn 2026 - 2030, duy trì và mở rộng quy mô các thị trường truyền thống: các nước Đông Bắc Á, châu Âu, khu vực ASEAN, Bắc Mỹ, Nga, châu Đại Dương; tăng thị phần khách có khả năng chi tiêu cao; đa dạng hóa các thị trường hướng đến phát triển bền vững.

Đối với thị trường nội địa, giai đoạn 2022 - 2025, sẽ phục hồi và giữ vững đà tăng trưởng của thị trường khách nội địa. Giai đoạn 2026 - 2030, tiếp tục đẩy mạnh khai thác thị trường khách nội địa, đa dạng hóa các phân khúc thị trường mục tiêu gồm khách gia đình, thanh niên, giáo dục, khách doanh nghiệp, khách MICE. Tập trung thúc đẩy lượng khách có sử dụng dịch vụ lưu trú, khách đi du lịch vào mùa thấp điểm.

Theo đó, chiến lược đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm bao gồm: đổi mới, đa dạng hóa các hình thức marketing du lịch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số; triển khai đa dạng, linh hoạt các hình thức truyền thông marketing...

Việt Nga