Văn hóa, du lịch

Chú trọng bảo tồn, phát huy không gian văn hóa cồng chiêng Gia Lai

Thứ tư, 15/2/2023 | 17:14 GMT+7
Gia Lai đẩy mạnh công tác bảo tồn di sản thông qua đề án Bảo tồn, phát huy giá trị di sản không gian văn hóa cồng chiêng Gia Lai giai đoạn 2023 - 2025.

Đề án nêu rõ, thời gian qua, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng phải đứng trước nhiều thách thức như: mất dần nghi lễ truyền thống, không gian tồn tại (nhà rông, bến nước, nương rẫy, nhà mồ, rừng...) trong đời sống cộng đồng các dân tộc bản địa; nhiều gia đình bán đi những bộ cồng chiêng quý do đời sống khó khăn; việc chuyển đổi từ tín ngưỡng dân gian truyền thống sang tôn giáo mới ngày càng phổ biến, dẫn đến một số gia đình đồng bào dân tộc từ bỏ lễ hội, cồng chiêng và nhiều phong tục tập quán cộng đồng...

Trong khi đó, Gia Lai được đánh giá là trung tâm tụ cư của dân tộc Bahnar và Jrai, đây là 2 trong số 11 dân tộc là chủ nhân của di sản văn hóa phi vật thể không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Trong đó, người Bahnar có số lượng dân cư đứng đầu 7 dân tộc thuộc ngữ hệ Môn-Khmer (Nam Á), người Jrai cũng đứng đầu 4 dân tộc thuộc ngữ hệ Malayo-Polinesian (Nam Đảo) ở Tây Nguyên. Hiện 2 nhóm dân tộc này còn lưu giữ được nhiều cồng chiêng nhất khu vực Tây Nguyên với trên 4.500 bộ.

Nắm bắt được tình trạng trên, từ đầu năm 2023, đề án Bảo tồn, phát huy giá trị di sản không gian văn hóa cồng chiêng Gia Lai giai đoạn 2023 - 2025 đã được triển khai theo Quyết định số 09/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Đề án nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của di sản không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, xu thế hội nhập quốc tế và gắn với phát triển du lịch địa phương.

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản không gian văn hóa cồng chiêng Gia Lai

Thông qua đề án, tỉnh Gia Lai yêu cầu các địa phương, cơ quan ban ngành điều tra, nghiên cứu khoa học về cồng chiêng và văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức trong cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc về trách nhiệm gìn giữ, phát huy giá trị độc đáo của di sản. Bên cạnh đó, cần gìn giữ và phục hồi các sinh hoạt văn hóa ở các nhóm Jrai, Bahnar địa phương để tạo môi trường diễn xướng cồng chiêng trên quan điểm kế thừa.

Đặc biệt, tỉnh sẽ xúc tiến phục dựng một số nghi lễ, lễ hội có sử dụng cồng chiêng của dân tộc Bahnar và Jrai; tổ chức các lớp truyền dạy đánh chiêng, chỉnh chiêng cho người Bahnar, Jrai; mở lớp tập huấn công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản cho cán bộ cấp huyện, xã. Cùng với hội thảo khoa học kết hợp triển lãm ảnh về sinh hoạt cộng đồng có sử dụng cồng chiêng, tỉnh tổ chức liên hoan cồng chiêng khu vực và Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại tỉnh Gia Lai định kỳ 2 năm/lần. Đẩy mạnh triển khai hai dự án quan trọng là khôi phục không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên thông qua việc xây dựng 6 mô hình nhà rông - bến nước ở các địa phương; xây dựng phòng trưng bày không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tỉnh Gia Lai.

Mặt khác, cần đặc biệt quan tâm đến các dân tộc bản địa. Khi được khơi dậy niềm tự hào về những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông, thế hệ kế cận sẽ là nhân tố chính, góp phần quan trọng trong việc gìn giữ, quảng bá và biến di sản thành tài nguyên du lịch.

Đề án nêu rõ, không gian văn hóa cồng chiêng Gia Lai cần được xây dựng, định hình thành "thương hiệu", để khi nhắc đến du lịch Gia Lai du khách sẽ nghĩ ngay đến một vùng di sản ghi dấu với Festival Cồng chiêng, là điểm tựa cho sự phát triển bền vững của tỉnh.

Lam An (T/H)