Chuyển đổi nhiên liệu tại các nhà máy điện than

Thứ ba, 13/6/2023 | 10:16 GMT+7
Ngày 12/6, Bộ Công Thương làm việc với các tập đoàn, tổng công ty, chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than về việc xây dựng kế hoạch, giải pháp, lộ trình chuyển đổi nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện đốt than.

Để triển khai thực hiện các cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP26 cũng như lộ trình chuyển đổi năng lượng được nêu trong Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương vừa tổ chức họp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), 3 Tổng công ty phát điện 1, 2, 3 cùng các chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện đốt than.

Cuộc họp cũng là dịp để các chủ đầu tư, chủ sở hữu các nhà máy nhiệt điện than trao đổi, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, đề xuất cơ chế, chính sách cần có để thực hiện chuyển đổi nhiên liệu.

Tại cuộc họp, Bộ Công Thương đề nghị EVN, PVN, TKV và chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện đốt than nghiên cứu, đánh giá dựa trên các điều kiện thực tế của từng nhà máy về thời gian vận hành, đặc tính kỹ thuật để đưa ra giải pháp và lộ trình chuyển đổi phù hợp, đáp ứng các yêu cầu nêu trên với các nội dung trọng tâm. Trong đó, tập trung nghiên cứu, xây dựng kế hoạch chuyển đổi nhiên liệu than sang sử dụng nhiên liệu sinh khối và amoniac để triển khai áp dụng khi đủ 20 năm vận hành, đảm bảo hiệu quả kinh tế của nhà máy.

Đối với các nhà máy điện than không thể thực hiện chuyển đổi nhiên liệu hoặc không thu giữ CO2, đề nghị nghiên cứu xây dựng phương án dừng hoạt động khi nhà máy đã vận hành đủ 40 năm.

Trước đó, Bộ Công Thương có văn bản số 3606/BCT-ĐL gửi các tập đoàn, tổng công ty và chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than yêu cầu các nhà máy nhiệt điện than xây dựng kế hoạch, giải pháp chuyển đổi điện than sang nguồn năng lượng sạch hơn và báo cáo trước 15/7/2023.

Quang cảnh cuộc họp

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng giám đốc EVN báo cáo công tác triển khai chuyển đổi nhiên liệu và những khó khăn, vướng mắc để triển khai Quyết định 500/QĐ-TTg. Ông Nguyễn Tài Anh cho rằng, khó khăn chính là công nghệ đốt trộn amoniac hiện nay trên thế giới chưa hoàn thiện, mới chỉ trong giai đoạn thử nghiệm; chưa có nhà máy nào ở Việt Nam cải tiến, thử nghiệm đồng đốt amoniac và có đánh giá về tính kinh tế, kỹ thuật cũng như các ảnh hưởng tác động đến con người, môi trường và thiết bị.

Chưa kể đến khả năng cung cấp nhiên liệu amoniac/sinh khối trong giai đoạn hiện nay của các đơn vị trong nước và trên thế giới còn hạn chế, chưa đảm bảo nguồn nguyên liệu sinh khối, amoniac để vận hành lâu dài và ổn định…

Trong khi đó, các chủ đầu tư khác như TKV, Tổng công ty Phát điện 1, 2, 3… băn khoăn về giá biomass trên thị trường cao hơn giá than, chưa có cơ chế chính sách về hỗ trợ giá chuyển đổi cho nhà máy thực hiện đồng sinh khối, amoniac để các nhà máy mở rộng thử nghiệm, tìm kiếm đối tác cung cấp nguyên liệu lâu dài và chất lượng. Hay như việc chuyển đổi nhiên liệu mới có ảnh hưởng đến công nghệ hiện hữu của nhà máy?

Các chủ dự án nhiệt điện đốt than BOT như: Nghi Sơn 2, Vĩnh Tân 1, Duyên Hải 2 lại băn khoăn về vấn đề điều khoản của hợp đồng mua bán điện đã được ký kết… Khi chuyển đổi nhiên liệu giá thành sản xuất sẽ cao hơn giá đã thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện thì thời gian còn lại của hợp đồng sẽ thực hiện như thế nào, phần chi phí tăng thêm cho chuyển đổi công nghệ, chi phí nhiên liệu chuyển đổi sẽ do bên nào phải chịu?...

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên bày tỏ mong muốn, các doanh nghiệp sẽ nỗ lực nhiều hơn trong thời gian tới, do các nhà máy nhiệt điện than sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm cung cấp điện phục vụ đời sống sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của người dân, xã hội.

Bộ trưởng cũng đề nghị chủ sở hữu các nhà máy nhiệt điện than rà soát lại phương án để chuẩn bị nguồn nhiên liệu sơ cấp, phục vụ hoạt động của nhà máy trong mọi tình huống. Các chủ đầu tư, chủ sở hữu nhà máy nhiệt điện than cần tổ chức quán triệt kỹ trong đơn vị tinh thần việc chuyển đổi là phải làm.

Bên cạnh đó, chú trọng tìm hiểu, đề xuất cơ chế, chính sách của các quốc gia, tổ chức quốc tế, khu vực dựa trên cam kết, tuyên bố của họ trên các diễn đàn như Tuyên bố JETP... Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương sẽ tập hợp và có kiến nghị với tổ chức quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu, việc này cần làm khẩn trương và không trì hoãn, thực hiện báo cáo trước ngày 15/7. Đồng thời nghiên cứu hợp tác và chủ động tìm kiếm các nguồn lực thay thế, nguồn nhiên liệu thay thế như sinh khối, amoniac.

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo sẽ chủ trì với các đơn vị có liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những cơ chế chính sách từ phía Việt Nam dựa vào những cam kết của các tổ chức quốc tế để đưa ra một số cơ chế chính sách ban đầu.

Đình Tú (t/h)