Phiên thảo luận nằm trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) đang diễn ra tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc phiên thảo luận, Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết: Cách mạng Xanh 4.0 không đơn thuần là một lựa chọn mà là một yêu cầu tất yếu, là một mệnh lệnh hành động. Đây là cuộc cách mạng mang theo kỳ vọng đổi mới toàn diện hệ thống lương thực thông qua ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, công nghệ sinh học và các giải pháp đổi mới sáng tạo.
Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, Cách mạng Xanh 4.0 không chỉ giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm mà còn giảm tiêu hao tài nguyên, cắt giảm phát thải và tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và qua đó tạo tiền đề nâng cao sinh kế của người nông dân, tăng cường phúc lợi cho người tiêu dùng.
Tại Việt Nam, nông nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm an ninh lương thực, ổn định xã hội và sinh kế cho trên 60% dân số; đóng góp 12% GDP quốc gia (số liệu năm 2024). Từ một quốc gia xuất phát điểm thấp, từng phải đối mặt với đói nghèo và khủng hoảng lương thực, Việt Nam ngày nay đã vươn lên trong nhóm các nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, đưa các sản phẩm nông sản có mặt ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tuy nhiên, với nguồn tài nguyên hạn hẹp, ước tính chỉ có khoảng 10,3 triệu ha đất có thể sử dụng trong nông nghiệp và nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho rằng không thể có một nền nông nghiệp thịnh vượng nếu nguồn tài nguyên thiên nhiên tiếp tục bị đe dọa, nếu đất tiếp tục suy thoái, nếu khí hậu tiếp tục nóng lên.

Phiên thảo luận “Bắt nhịp Cách mạng Xanh 4.0: Hành trình chuyển đổi hệ thống lương thực – thực phẩm cho kỷ nguyên bền vững”
Theo Bộ trưởng, để giải quyết những thách thức đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang từng bước thực hiện quá trình chuyển đổi nông nghiệp theo hướng xanh, thông minh và bền vững. Trong đó, xác định đổi mới sáng tạo, tập trung thực chất vào nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, chuyển đổi số là cốt lõi để tạo ra đột phá cho ngành nông nghiệp.
Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm, bền vững ở Việt Nam đến năm 2030; Đề án phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030. Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 như điểm sáng về chuyển đổi xanh.
Bộ trưởng khẳng định, tất cả những nỗ lực, kết quả trên đã thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, có trách nhiệm với thiên nhiên và con người cũng như phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới.
Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng nhận thức sâu sắc rằng, không một quốc gia nào có thể đơn độc đi đến thành công trong hành trình chuyển đổi hệ thống lương thực. Đây là một nỗ lực đòi hỏi sự chung tay hành động giữa các quốc gia, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, nhà khoa học và người nông dân. Đặc biệt, trong bối cảnh trật tự thương mại toàn cầu đang có nguy cơ phân mảnh, khi những hàng rào thuế quan và chủ nghĩa bảo hộ đang nổi lên.
Chỉ có hợp tác đa phương thực chất, trên nền tảng công bằng và tôn trọng lẫn nhau mới giúp chúng ta cùng vượt qua những thách thức to lớn của an ninh lương thực, đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, phát triển công bằng và bền vững cho mỗi quốc gia và trên quy mô toàn cầu, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh.
Sau khi lắng nghe ý kiến của các đại biểu trao đổi tại phiên thảo luận, phát biểu kết luận sự kiện, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho rằng các ý kiến đã gợi mở ra 5 giải pháp cụ thể có thể hành động ngay.
Một là, tăng cường đầu tư cho chuyển đổi số và công nghệ xanh trong nông nghiệp, gắn với mục tiêu giảm phát thải, nâng cao năng suất và minh bạch chuỗi cung ứng.
Hai là, phát triển hệ thống tài chính xanh và thị trường carbon công bằng, hiệu quả và dễ tiếp cận cho nông dân và doanh nghiệp quy mô nhỏ.
Ba là, tăng cường năng lực địa phương, từ chia sẻ dữ liệu mở, đào tạo kỹ năng số đến chính sách hỗ trợ phù hợp với đặc thù của từng vùng và đối tượng yếu thế.
Bốn là, phát triển các mô hình hợp tác công - tư - cộng đồng (PPCP: Public-Private - Community Partnership), tận dụng thế mạnh của từng bên để chia sẻ rủi ro, đồng hành trong hành động.
Cuối cùng là hợp tác đa phương và thực chất là con đường duy nhất để cùng nhau vượt qua các khủng hoảng lương thực, các thách thức về khí hậu, sinh kế và môi trường.
Bộ trưởng khẳng định, Việt Nam cam kết tiếp tục là một đối tác hành động tích cực và trách nhiệm cùng các quốc gia, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp trong hành trình chuyển đổi hệ thống lương thực toàn cầu theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững.