Ngày 4/4, tại thành phố Cần Thơ, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) phối hợp tổ chức hội thảo “Định vị hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên mới” với mục tiêu đưa ra các giải pháp, chiến lược mới cho ngành lúa gạo trong bối cảnh thị trường và công nghệ đang có những thay đổi mạnh mẽ.
Theo thông tin tại hội thảo, hiện nay, trên thị trường xuất khẩu có 3 loại gạo: gạo thường, gạo chất lượng cao và gạo cấp cao. Trong tổng sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam thì phần lớn là gạo chất lượng cao (chiếm tới 60 - 70%); gạo cao cấp có tên thương hiệu chiếm khoảng 15%; gạo thường chiếm khoảng 10 - 15%. Các thống kê cho thấy, phân khúc gạo cao cấp của Việt Nam ít bị cạnh tranh bởi các nước xuất khẩu khác.
Gạo của Việt Nam hiện có mặt ở nhiều quốc gia, nhiều thị trường có đòi hỏi khắt khe nhờ chất lượng cao. Cơ cấu thị trường gạo Việt Nam với 72% cho thị trường châu Á, 18% cho thị trường châu Phi và châu Mỹ là 4%. Hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nhận thấy thị trường mới đang lên là châu Phi.
Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), mặc dù, đầu năm 2025, giá lúa gạo Việt Nam giảm nhưng ước tính quý I/2025, tổng lượng gạo xuất khẩu gạo đạt trên 2,2 triệu tấn, tăng 2% so với quý I/2024. Điều này cho thấy, thị trường thế giới vẫn có nhu cầu sử dụng gạo Việt Nam.

Cần xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo hiệu quả, từ sản xuất đến tiêu thụ nhằm gia tăng giá trị gia tăng cho nông dân và doanh nghiệp
Ông Đỗ Hà Nam chia sẻ: Gạo Việt Nam đã có chỗ đứng trên thị trường, vấn đề là các nhà xuất khẩu làm cách nào để giữ được giá bán lúa với 7.000 đồng/kg trở lên mua tại ruộng và bán gạo được với giá 500 USD/tấn trở lên để ổn định, tạo thị trường cho nông dân, doanh nghiệp xuất khẩu.
Để giải quyết bài toán này, Chủ tịch VFA cho rằng, cần cơ cấu tốt giống lúa, thị trường gạo. Việt Nam đặt mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng và giá trị gạo xuất khẩu, hướng tới việc giảm tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình, đồng thời tăng tỷ trọng gạo thơm, Japonica, gạo đặc sản. Cụ thể, đến năm 2025, tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình sẽ giảm xuống không quá 15%, trong khi tỷ trọng gạo thơm, Japonica, gạo đặc sản sẽ tăng lên khoảng 40%. Đến năm 2030, các mục tiêu này còn tham vọng hơn với tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình không quá 10% và tỷ trọng gạo thơm, Japonica, gạo đặc sản khoảng 45%.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần tiếp tục nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm lúa gạo để tạo ra sự khác biệt trên thị trường thế giới; xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo hiệu quả, từ sản xuất đến tiêu thụ nhằm gia tăng giá trị gia tăng cho nông dân và doanh nghiệp; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và nông dân để đảm bảo lợi ích của tất cả các bên liên quan.
TS. Lê Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội ngành hàng Lúa gạo Việt Nam (VIETRISA) cho rằng, muốn phát triển hạt gạo Việt Nam bền vững phải liên kết theo chuỗi đã được chứng minh bằng kết quả tích cực thực hiện 7 mô hình triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2024 - 2025.
Mục tiêu chính của đề án là giữ vững vai trò nòng cốt của sản xuất lúa gạo trong việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; phát triển nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long theo hướng bền vững, thuận thiên và nâng cao thu nhập cho người trồng lúa; tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi ngành hàng lúa gạo, nâng cao giá trị gia tăng, áp dụng quy trình canh tác bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính. Đồng thời, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế về bảo vệ môi trường.
Ông Lê Thanh Tùng nhấn mạnh: Hỗ trợ cho bà con nông dân để tăng sức chống chịu trước những biến động thị trường là mục tiêu lớn nhất của đề án.
Để đạt được những mục tiêu này, đề án tập trung vào các hoạt động chính như: nâng cấp cơ sở hạ tầng và cải thiện các trung tâm hậu cần; đổi mới sáng tạo và cải tiến các gói kỹ thuật dựa trên kỹ thuật 1P5G; hỗ trợ tái tổ chức sản xuất nông hộ thông qua tăng cường các tổ chức nông dân và hợp tác xã; đào tạo và chuyển giao công nghệ cho nông dân về canh tác bền vững, quản lý trang trại, ứng dụng công nghệ kỹ thuật số và các lĩnh vực liên quan đến giám sát, báo cáo và thẩm định tín chỉ carbon (MRV).
Đồng thời, huy động các nguồn lực tài chính và kỹ thuật trong nước và quốc tế; phát triển thị trường gạo carbon thấp, bao gồm xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường cho gạo carbon thấp của đồng bằng sông Cửu Long và Việt Nam; cải thiện hệ sinh thái trong nước để hỗ trợ chuyển đổi ngành lúa gạo, bao gồm khả năng tiếp cận tài chính, cơ chế chi trả carbon và cơ chế chia sẻ lợi ích…