Nông nghiệp sạch

Tăng cường chuỗi giá trị rơm rạ hỗ trợ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

Thứ tư, 9/4/2025 | 10:03 GMT+7
Ngày 8/4, Diễn đàn tăng cường chuỗi giá trị rơm rạ hỗ trợ Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long diễn ra tại thành phố Cần Thơ.

Diễn đàn do Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam (VIETRISA) và Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) tổ chức.

Theo thông tin tại diễn đàn, đồng bằng sông Cửu Lon chiếm 50% sản lượng lúa gạo cả nước và 90% lượng xuất khẩu, đóng vai trò then chốt trong an ninh lương thực quốc gia. Tuy nhiên, việc sản xuất lúa gạo đang đối mặt với nhiều thách thức như gia tăng năng suất, duy trì chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm và thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo các khảo sát, hiện nay có khoảng 70% rơm rạ ở đồng bằng sông Cửu Long vẫn được đốt, chỉ có 10% được sử dụng cho các mục đích khác. Việc đốt rơm rạ không chỉ gây lãng phí nguồn tài nguyên mà còn ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khỏe người dân.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam cho biết, thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã chủ động làm việc với nhiều đơn vị trong và ngoài nước để tìm “nguồn cầu” cho rơm rạ. Điển hình, Bộ đã làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và thống nhất đưa vào Quy hoạch điện VIII đầu tư một nhà máy điện sinh khối tại huyện Vĩnh Thạnh (thành phố Cần Thơ), công suất 150MW, sử dụng khoảng 1 triệu tấn rơm/năm. Hay một đối tác Nhật Bản cũng đang xem xét khả năng xây dựng nhà máy đốt trấu, rơm tại đồng bằng sông Cửu Long để tạo ra silica phục vụ ngành mỹ phẩm, lốp xe ô tô… Ngoài ra, hiện nay nhiều doanh nghiệp cũng phát minh ra các chế phẩm sinh học và cơ giới hóa phục vụ thu gom, xử lý rơm rạ.

Tuy nhiên, các giải pháp trên chỉ mới giải quyết được một phần nhỏ lượng rơm rạ hiện có, chưa đủ tạo động lực. Do đó, Thứ trưởng đề nghị Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia xây dựng một chương trình đổi mới sáng tạo cụ thể, tạo ra giá trị gia tăng cho rơm rạ.

Ưu tiên phát triển và áp dụng các công nghệ xử lý rơm rạ hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội và môi trường. (Ảnh minh họa)

Báo cáo định hướng chiến lược quản lý rơm rạ trong Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp, ông Lê Thanh Tùng,  Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam cho biết, mục tiêu của Đề án là tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.

Nông nghiệp tuần hoàn là một trong các tiêu chí quan trọng tăng thu nhập, tăng bền vững và giảm phát thải. Vì vậy, giải pháp quản lý rơm rạ hiện nay là tăng cường thu gom và tận dụng rơm rạ cho các mục đích khác như làm phân bón hữu cơ, nguyên liệu sản xuất, chăn nuôi. Cùng với đó là ứng dụng công nghệ mới như sấy, ủ phân, sản xuất vật liệu xây dựng từ rơm rạ để nâng cao giá trị và hiệu quả sử dụng. Đồng thời xây dựng mô hình nông nghiệp tuần hoàn, tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ để tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh cơ giới hóa trong thu gom và xử lý rơm rạ để tăng hiệu quả và giảm chi phí.

Theo ông Lê Thanh Tùng, nếu không di chuyển rơm rạ khỏi đồng ruộng sẽ khó đạt được mục tiêu của Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Vì vậy, cần có những giải pháp và lộ trình cụ thể, hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương để triển khai việc quản lý rơm rạ. Cùng với đó là xây dựng cơ sở dữ liệu và thông tin về công nghệ hỗ trợ nông nghiệp tuần hoàn, đặc biệt là đối với lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, ưu tiên phát triển và áp dụng các công nghệ xử lý rơm rạ hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội và môi trường.

Tại diễn đàn, các đại biểu đã được nghe các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng với IRRI, VIETRISA và các đơn vị, doanh nghiệp cập nhật, cung cấp những thông tin, báo cáo về định hướng, chiến lược quản lý rơm rạ trong Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp; chia sẻ, giới thiệu các mô hình, kinh nghiệm và cách làm hay nhằm gia tăng chuỗi giá trị rơm rạ, đặc biệt là giải pháp về thu gom, xử lý, sử dụng, chế biến rơm theo hướng nông nghiệp tuần hoàn.

Các đơn vị, doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực tái sử dụng rơm rạ cũng đã giới thiệu một số mô hình phát triển sinh kế từ rơm và giải pháp công nghệ giúp phát huy hiệu quả sử dụng rơm rạ gắn với giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường. Cụ thể, Công ty TNHH MTV Tư Sang với việc ứng dụng máy móc phục vụ thu gom rơm và xử lý rơm rạ, Công ty Ulstraw với các sản phẩm năng lượng làm từ rơm (viên nén, củi rơm), Công ty CP Phân bón Bình Điền với giải pháp xử lý rơm rạ nâng cao sức khỏe đất, Công ty TNHH Nông Lâm Tiến với chế phẩm sinh học phân hủy rơm rạ, hợp tác xã Tiến Thuận (thành phố Cần Thơ) gia tăng thu nhập từ sản xuất lúa qua việc tận dụng rơm rạ để trồng nấm rơm…

Hải Long (t/h)