Trong nước

Cơ hội cho ngành vận tải đa phương thức khi EVFTA có hiệu lực

Thứ tư, 25/12/2019 | 16:00 GMT+7
Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) vừa tổ chức hội thảo Nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển logistics gắn với đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Liên minh châu Âu, nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ hơn về cơ hội, thách thức, tác động mà EVFTA mang lại.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 11 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu của nước ta đạt 241,7 tỷ USD, tăng 7,9% và kim ngạch nhập khẩu đạt 230,7 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2018. Với tiến độ như hiện nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ vượt mốc 500 tỷ USD vào nửa sau tháng 12 năm 2019.

Bên cạnh đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đang trong quá trình phê chuẩn để chính thức có hiệu lực. Trong đó, dịch vụ logistics như vận tải, hỗ trợ vận tải… là những dịch vụ có các cam kết đang chú ý theo hướng mở cửa mạnh hơn đáng kể so với Hiệp định Thương mại quốc tế (WTO). Với tốc độ phát triển hàng năm đạt 16 – 20%, dự kiến EVFTA sẽ giúp gia tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics, đem đến tác động đáng kể đến triển vọng thị trường và ngành vận tải đa phương thức Việt Nam.

Trong bối cảnh nhiều nước đang phát triển chưa có vốn đầu tư nước ngoài từ EU, việc Việt Nam ký thành công cam kết EVFTA đã tạo đà cho sức cạnh tranh của hàng hóa Việt tại thị trường EU. Ngược lại, nhập khẩu từ EU vào Việt Nam cũng sẽ tăng khi hầu hết các mặt hàng đều được giảm thuế nhập khẩu trong bối cảnh sức mua của Việt Nam đang tăng.

Ngoài ra, các cam kết loại bỏ thuế quan của Việt Nam đã cho phép doanh nghiệp trong nước mua các loại máy móc, thiết bị, công nghệ phục vụ hoạt động logistics từ các đối tác trong thỏa thuận. Từ đó, các doanh nghiệp cũng có thể mở rộng cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài cùng với tiếp nhận các công nghệ hiện đại và phương pháp quản trị tiên tiến trong lĩnh vực logistics.

Các chuyên gia tham gia thảo luận tại hội thảo

Bên cạnh các cơ hội, ngành vận tải đa phương thức cũng gặp phải một số thách thức nhất định. Theo đó, một số sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam không được hưởng chính sách ưu đãi thuế quan bởi chất lượng không đảm bảo. Cụ thể, Việt Nam nhập khẩu rất nhiều nguyên liệu từ nước ngoài để cấu thành sản phẩm, với sản phẩm dệt may, các đối tác EU không chỉ yêu cầu khắt khe về khâu thành phẩm mà còn đòi hỏi về chất lượng vải dệt phải được sản xuất ở trong nước. Tương tự, các sản phẩm thực phẩm đều phải được đảm bảo nguyên liệu (đường, sữa…) có xuất xứ Việt Nam mới được xuất khẩu ra nước ngoài.

Bà Trịnh Thu Hiền, Trưởng phòng xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu cho biết: “Đối với một nền kinh tế đang phát triển như nước ta, nếu không nhập khẩu nguyên liệu thì lấy gì mà sản xuất sản phẩm”.

Tham tán thương mại Việt Nam tại Anh, ông Nguyễn Cảnh Cường khẳng định, một thách thức lớn mà các doanh nghiệp sẽ gặp phải, đó là các chủ doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải lựa chọn giữa tăng trưởng hay bị thôn tính. Khi thị trường được mở rộng, bên cạnh lợi ích thu được các doanh nghiệp sẽ phải đối diện với sức ép, cạnh tranh và có thể bị mất nhân lực giỏi vào tay đối thủ, đặc biệt là trước sự kiện Việt Nam cam kết mở cửa thị trường logistics lên 51%.

Tuy nhiên, bà Đinh Bảo Linh, Phó giám đốc Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, việc ký kết EVFTA sẽ hướng thị trường vận tải đa phương thức Việt Nam đến mục tiêu tăng trưởng xanh trong logistics (Greenlogistics).

Bảo An