Môi trường (old)

Cuộc cách mạng xanh – Green Vietnam: 1 triệu ngôi nhà xanh cho Việt Nam

Thứ năm, 1/6/2017 | 01:33 GMT+7
Giải pháp ngôi nhà xanh sản xuất điện mặt trời, giữ nước mưa chống ngâp, chống nóng cho TPHCM và các đô thị giúp tiết kiệm hàng trăm tỷ Đô - la cho đất nước mỗi năm.

Việt Nam là 1 trong 5 nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong thế kỷ này. Sự khắc nghiệt của thiên nhiên ngày càng lớn, làm thiệt hại của đất nước hàng tỷ Đô – la mỗi năm. Nhưng Việt Nam cũng là một trong những nước được thiên nhiên ưu đãi với tiềm năng về nắng, mưa, gió hàng đầu châu Á. Nước ta có lượng mưa trung bình từ 1500mm tới 2000mm/m2 1 năm và tiềm năng về năng lượng mặt trời từ 1800/3200 giờ nắng mỗi năm, tiềm năng gió tới 8,6 % diện tích lãnh thổ có tốc độ và mật độ gió tốt 6m/s để sản xuất điện gió và hàng trăm triệu tấn phế thải nông nghiệp, rác, phân gia súc để sản xuất năng lượng.

Việt Nam hoàn toàn có thể thu được lợi ích hàng tỷ Đô - la mỗi năm từ nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) khổng lồ mà thiên nhiên ban tặng. Bài học này chúng tôi đã thấy khi học tập tại Đức năm 2009. Các nước châu Âu thành công cũng đã sản xuất dư thừa năng lượng cho nhu cầu từ nguồn NLTT của cuộc cách mạng xanh. Một số nước như Hàn Quốc mà chúng tôi đến học tập năm 2013 cũng tuyên bố sẽ đi đầu trên thế giới trong lĩnh vực NLTT cũng như Nhật Bản đang làm. Ấn Độ là một nước hàng đầu châu Á mà tôi được mời tham dự tại diễn đàn đối thoại chiến lược Asean-India 2016 cũng đang thực hiện chương trình 100GW điện mặt trời đến 2020 và đang lắp đến 30GW điện gió. Bangladesh là nước rất nghèo cũng đã làm được 3 triệu ngôi nhà solar homes. Các nước Asean đưa ra mục tiêu đến năm 2020, NLTT và nhiên liệu sinh học chiếm từ 25% đến 40% trong tổng sơ đồ về năng lượng và đang phát triển mạnh mẽ, thu hàng tỷ Đô - la mỗi năm. Tại sao Việt Nam với tiềm năng đứng đầu Asean vẫn chưa làm được và chưa thu được lợi ích gì từ cuộc cách mạng NLTT?

Đó chính là vì chính sách chưa theo kịp với yêu cầu cuộc sống và nhu cầu của toàn dân. Các doanh nghiệp NLTT đã trình lên bộ Công Thương đề xuất với Chính phủ ban hành giá điện mặt trời nối lưới, giá điện mặt trời cho mái nhà và giá điện gió. Nhiều người vẫn nghĩ phải nước giàu mới làm được NLTT và giá thành điện từ NLTT đắt. Tuy nhiên, nhiều nước nghèo vẫn làm được hàng triệu ngôi nhà xanh.

Theo tính toán, nếu cơ quan chức năng ban hành chính sách giá điện NLMT, gió, biogas, biomass với giá từ 10cent/1KWh  đến 15cent/1KWh thì nhà nước sẽ đỡ phải lo đi vay hàng chục tỷ Đô - la để đầu tư các nhà máy điện và đường dây tải điện. Đồng thời, chúng ta cũng giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường do hàng trăm triệu tấn rác thải từ nông nghiệp, rác, phân gia súc gây nên.

Bên cạnh đó, hàng năm, khi thiếu điện chúng ta phải phát bù bằng điện diesel tới hơn 3 tỷ KWh. Với giá ước tính 25 cent/1KWh thì phải lấy khoảng hơn 700 triệu USD từ tiền điện thu được của toàn dân để bù vào khoản lỗ đó.

Chúng tôi đã thử nghiệm thực tế bằng nhiều dự án và nhận thấy ngôi nhà xanh sử dụng điện mặt trời hòa lưới dùng bếp hồng ngoại đun nấu chi phí chỉ bẳng ½ đun bếp gas. Khi các thiết bị trong nhà đều dùng điện mặt trời và dùng đèn LED, chúng ta có thể tiết kiệm hơn nửa hóa đơn tiền điện. Giải pháp giữ nước mưa dùng cho cọ rửa và để trồng rau sạch giúp ta tiết kiệm hơn ½ lượng nước sử dụng hàng tháng.

Xã hội hóa về năng lượng sẽ giảm thất thoát, tổn hao trong các dự án lớn, huy động được nguồn tiền lớn từ nước ngoài và trong dân cho đầu tư phát triển các dự án NLTT. Điều này sẽ là tiền đề để cuộc cách mạng xanh bùng nổ tại Việt Nam.

Chính vì thế, Chính phủ cần ban hành ngay chính sách về giá điện và quỹ hỗ trợ cho vay đầu tư các dự án NLTT.

Việt Nam có 5 thế mạnh so với thế giới là: nông nghiệp, du lịch, kinh tế biển, công nghệ thông tin viễn thông và NLTT thì duy nhất chỉ có NLTT chưa được quan tâm và đầu tư đúng đắn như nông nghiệp công nghệ cao đang được hưởng. Bảo vệ môi trường sống của từng hộ gia đình, giảm đun bếp than, nhà máy điện than, thay vào đó là bếp điện, nhà máy điện gió, điện mặt trời... Đó là xu thế của toàn thế giới hiện nay mà chúng tôi đang nỗ lực đi theo nhằm góp phần giảm phát thải và sự nóng lên của các thành phố, giữ nước mưa để sử dụng, giảm ngập lụt, vì một Việt Nam xanh.

Đặng Quốc Toản