Môi trường "thánh địa vàng" Bồng Miêu bị tàn phá

Thứ ba, 23/5/2017 | 20:39 GMT+7
Câu chuyện về công ty vàng Phước Sơn và công ty vàng Bồng Miêu làm ăn thua lỗ, nợ hàng trăm tỷ tiền thuế, phí, và nhiều doanh nghiệp đã được chính quyền, ngành chức năng, báo chí nói rất nhiều trong những năm qua. Thực ra, cả hai công ty vàng này đều có chung một “cha đẻ” là Tập đoàn Besra Việt Nam.

Những ngày qua, Công ty vàng Phước Sơn đã làm thủ tục phá sản tại cơ quan Tòa án, còn công ty vàng Bồng Miêu sau khi đã hết thời hạn giấy phép đầu tư, khai thác khoáng sản từ tháng 3/2016, trên thực tế công ty này cũng ngưng hoạt động từ tháng 7/2014, nhưng vẫn còn “treo” trên cổ với khoản nợ thuế gần 300 tỷ đồng. Dư luận vẫn thắc mắc, chỉ từ năm 2008 đến 2012, tập đoàn Besra với hai công ty Phước Sơn và Bồng Miêu đã đào từ  lòng đất ở những thánh địa vàng Quảng Nam hơn 4,430 tấn vàng, nhưng tại sao vẫn có những khoản thuế, phí không thể nộp nổi.

Ông Nguyễn Thế Vinh - Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh (huyện Phú Ninh, Quảng Nam)cho biết, diện tích công ty vàng Bồng Miêu được cấp 365 ha, nhưng công ty không đủ năng lực quản lý, không bảo vệ được diện tích đã cấp, để cho hàng trăm đối tượng vào khai thác vàng trái phép, gây hậu quả nghiêm trọng. Dùng hóa chất để khai thác vàng và thải ra sông suối gây ô nhiễm trên toàn địa bàn xã Tam Lãnh. Theo ông Vinh, xã có 11 thôn, 7.718 nhân khẩu, hầu hết nguồn nước sinh hoạt đã bị ô nhiễm do nước ngấm từ sông suối vào. Trong thời gian qua, UBND xã đã phải huy động vốn đầu tư một công trình nước sạch gần 800 triệu đồng để cung cấp cho nhân dân.

Còn Trung tá Văn Công Đoàn - Trưởng đồn công an xã Tam Lãnh cho hay, mười mấy anh em đơn vị làm nhiệm vụ ở đây, khó khăn nhất hiện nay là không có nước sinh hoạt. Nguồn nước tự chảy, anh em kéo từ khe núi về đều bị ô nhiễm nặng, chỉ dùng để rửa ráy, tưới rau, các chiến sĩ công an hàng ngày phải đi vận chuyển nước từ nơi khác rất xa để về ăn uống, tắm giặt. Ông Nguyễn Thế Vinh với “tầm nhìn xa” hơn thì khẳng định, tất cả các khe suối ở Tam Lãnh, sông Bồng Miêu đều đổ về hồ Phú Ninh và các con sông chảy về Phú Ninh, Tam Kỳ, Núi Thành… với tình trạng ô nhiêm nguồn nước thế này, chỉ không lâu nữa, hồ Phú Ninh sẽ là “hồ chết”, cùng hạ lưu Quảng Nam sẽ bị ô nhiễm nặng từ hóa chất đào đãi vàng ở Bồng Miêu.

Ông Nguyễn Thế Vinh khẳng định với chúng tôi: “Ở vùng vành đai quanh nhà máy của công ty vàng Bồng Miêu, chính quyền và lực lượng chức năng còn có thể quản lý được phần nào…Chứ trên diện tích hàng trăm ha, khu vực hầm lò của mỏ vàng Bồng Miêu thì đành chịu, các đối tượng từ địa phương khác, lợi dụng ban đêm, thậm nhập vào các hầm vàng, đưa máy móc, trang thiết bị, dùng hóa chất độc hại đào đãi vàng, gây mất ANTT, rồi tệ nạn ma túy, cướp bóc…chính quyền cũng chịu, địa phương không đủ lực lượng, trang thiết bị để kiểm soát và đẩy đuổi các đối tượng ở khu vực ngoài tầm kiểm soát này…”

Theo một báo cáo mới nhất của huyện ủy Phú Ninh, ngày 10/3/2017: Công ty vàng Bồng Miêu không có lực lượng đủ mạnh để quản lý 365 ha  nhà nước giao, để hàng trăm đối tượng vào khai thác vàng trái phép, gây hậu quả nghiêm trọng. Từ năm 2005 đến nay, xảy ra 13 vụ sập hầm làm 23 người chết, 5 người bị thương. Dùng hóa chất để chế biến, tách lấy vàng và thải ra sông suối, gây ô nhiêm môi trường toàn xã Tam Lãnh và các vùng lân cận. Các đối tượng làm vàng trái phép tranh giành địa bàn, gây gổ, chém giết, cướp giật, vận chuyển buôn bán chất cấm (cyanua), vật liệu nổ.

Cũng theo báo cáo này, đã có trên 150 vụ vi phạm pháp luật tại xã Tam Lãnh liên quan đến người làm vàng bị xử lý, trong đó có 6 vụ gây rối đông người, cướp quặng vàng, tạo điểm nóng, gây dư luận không tốt trong nhân dân. Tệ nạn xã hội như buôn bán, sử dụng ma túy rất phức tạp, các đối tượng này còn lôi kéo thanh niên địa phương vào con đường nghiện ngập, gây phẫn nộ trong nhân dân.

Điều đáng nói, hàng trăm ha đất khai thác vàng xong, công ty vàng Bồng Miêu không hoàn thổ, để người dân lấn chiếm đất làm trang trại, trồng cây với diện tích trên 125 ha, tập trung ở khu Đồi Sim, Núi Kẽm… Trên diện tích này, các đối tượng còn tận thu quặng vàng, gây ô nhiễm môi trường, mất ANTT. UBND xã Tam Lãnh không thể quản lý được vì diện tích này thuộc quyền quản lý của công ty vàng Bồng Miêu.

Từ tháng 3/2016 đến nay, công ty vàng Bồng Miêu dừng hoạt động hoàn toàn vì giấy phép hết hiệu lực. Tuy nhiên công ty không thực hiện đóng cửa mỏ, bàn giao đất cho địa phương quản lý. Lực lượng bảo vệ của công ty cũng cắt giảm, chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ tài sản, thiết bị khu vực nhà máy, các khu vực còn lại không được bảo vệ. Các đối tượng từ nhiều địa phương khác xâm nhập khu vực hầm lò, các khu vực đất rừng để đào đãi, khai thác, chế biến vàng trái phép dễ dẫn đến gây tai nạn chế người như sạt lở, sập hầm, ngạt khí… gây ô nhiễm môi trường.

Một ngày lội trên "thánh địa vàng" Bồng Miêu cùng các chiến sĩ công an đồn Tam Lãnh, chứng kiến cả một vùng rộng lớn, hàng trăm ha sông suối, đồi núi bị đào bới nham nhở… Nhiều máy xúc, xe tải lớn, nhiều giàn máy hút, đào, lọc đãi lấy vàng vẫn ầm ầm ầm hoạt động, hàng trăm lán trại của những người đào đãi vàng tự do ẩn khuất sau những cánh rừng keo của người dân bản địa. Môi trường  vùng vàng Bồng Miêu đang bị tàn phá nghiêm trọng hơn bao giờ hết.

Lan Anh