Hội thảo “Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp giảm phát thải khí nhà kính và hướng đến Net Zero” được tổ chức nhằm mục đích chia sẻ một số kiến thức, kinh nghiệm thực tế có liên quan về việc kiểm kê, giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm năng lượng và đẩy mạnh hoạt động chuyển giao công nghệ, kết nối cung - cầu công nghệ, thiết bị, gắn kết hoạt động khoa học và công nghệ với quá trình phát triển của các doanh nghiệp.
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Sơn Phong, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng cho biết, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, việc hiểu rõ về phát thải khí nhà kính và tác động của nó đến môi trường là vô cùng cần thiết. Chúng ta cần có cái nhìn toàn diện về các loại khí nhà kính phổ biến, nguyên nhân phát thải, hệ thống báo cáo và giá trị của việc áp dụng công nghệ xanh để giảm thiểu tác động.
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh: Thay đổi từ nhận thức đến hành động là con đường duy nhất để hướng tới một tương lai bền vững cho thế giới. Hướng tới mục tiêu Net Zero chính là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó sứ mệnh tiên phong của doanh nghiệp trong việc đầu tư và khai thác hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo như: điện mặt trời áp mái, điện gió, năng lượng sinh khối... Việc chuyển đổi này không chỉ giúp giảm lượng khí thải mà còn tăng tính tự chủ năng lượng và giảm chi phí dài hạn cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, mỗi cá nhân và tổ chức cần có trách nhiệm và hành động ngay hôm nay để bảo vệ hành tinh của chúng ta cho mai sau.
Với doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, Net Zero ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí vận hành, uy tín thương hiệu và khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Đây là lĩnh vực thường tiêu tốn nhiều năng lượng và tạo ra lượng lớn khí thải do đó Net Zero chính là cơ hội để doanh nghiệp tái định vị mình, cân bằng giữa hiệu quả kinh tế, đạo đức môi trường và sự bền vững lâu dài. Đặc biệt, các doanh nghiệp ngành xuất khẩu như nhựa, dệt may, điện tử và chế biến thực phẩm đang chịu áp lực lớn từ đối tác quốc tế để “xanh hóa” quy trình sản xuất.

Doanh nghiệp đầu tư dây chuyền sản xuất có hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng
Theo ông Lê Sơn Phong, việc kiểm kê khí nhà kính và xây dựng báo cáo kiểm kê để có kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính đối với các cơ sở sản xuất, dịch vụ... trên địa bàn thành phố Đà Nẵng còn có nghĩa quan trọng đối với việc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, trong đó có việc thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon.
Hiện tại, Đà Nẵng có 31 cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo quy định của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP. Trong đó, 22 cơ sở thuộc ngành công thương, chủ yếu là các cơ sở sản xuất công nghiệp; 8 doanh nghiệp lĩnh vực xây dựng và 1 cơ sở ngành tài nguyên và môi trường. Tần suất kiểm kê là 2 năm một lần.
Tỉnh Quảng Nam hiện cũng có 23 doanh nghiệp nằm trong danh sách bắt buộc kiểm kê khí nhà kính ở các lĩnh vực: sản xuất công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng, môi trường.
Trên cơ sở báo cáo kiểm kê, các đơn vị sẽ xây dựng kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính cấp cơ sở đến năm 2030.
Hội thảo đã giới thiệu các giải pháp cụ thể để doanh nghiệp giảm phát thải khí nhà kính như: kinh nghiệm áp dụng ESG (môi trường, xã hội và quản trị) của doanh nghiệp Việt Nam; giải pháp chuyển đổi xanh, giảm phát thải khí nhà kính để phát triển bền vững; tiết kiệm năng lượng, giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính trong lĩnh vực nước nóng…
Bên cạnh đó, các giải pháp tối ưu năng lượng cho tòa nhà dựa trên công nghệ AIoT cũng được chia sẻ như: điều khiển hệ thống làm lạnh; hệ thống đèn siêu Led hiệu suất cao tích hợp cảm biến thông minh tiết kiệm đến 60% năng lượng tiêu thụ; giám sát và an ninh bằng AI; hệ thống năng lượng mặt trời áp mái tích hợp pin dự trữ…