Khắc phục vấn đề ô nhiễm không khí ở các đô thị lớn

Thứ bảy, 26/4/2025 | 08:00 GMT+7
Ngày 25/4, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát của Quốc hội chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành” tổ chức hội thảo Thực trạng và giải pháp kiểm soát, khắc phục vấn đề ô nhiễm không khí ở các đô thị lớn.

Đánh giá thực trạng ô nhiễm không khí tại Việt Nam hiện nay, Phó Cục trưởng Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Lê Hoài Nam cho biết, ô nhiễm tập trung vào hàm lượng bụi, trong đó có bụi mịn, ô nhiễm có tính quy luật theo mùa và tập trung chủ yếu tại một số điểm có mật độ giao thông và tập trung nhiều cơ sở sản xuất. Các nguyên nhân chính phát sinh bụi, khí thải gây ô nhiễm môi trường không khí gồm: hoạt động giao thông vận tải, hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp, hoạt động đốt mở, hoạt động dân sinh, khí hậu thời tiết.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung phân tích một số bất cập trong chính sách về quản lý chất lượng không khí như: chưa có quy định đủ mạnh để quản lý, xử lý các vi phạm làm phát sinh bụi, khí thải từ các công trình xây dựng, công trình giao thông, công trình công ích; chưa có quy định đủ mạnh để xử lý các vi phạm liên quan đến hành vi đốt chất thải, rác thải, phụ phẩm nông nghiệp và sinh khối diễn ra rất phổ biến, thường xuyên ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ và khu vực thành phố Hà Nội. Cùng với đó là khó khăn trong xây dựng quy định về kiểm soát nguồn khí thải từ phương tiện giao thông cũ, phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt đối với phương tiện xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành với đối tượng sử dụng là người có thu nhập thấp, người nghèo trong xã hội…

Quang cảnh hội thảo

Một số đại biểu đề xuất các nhóm giải pháp cần tập trung triển khai nhằm kiểm soát ô nhiễm không khí như: nhóm giải pháp về quy hoạch, đầu tư hạ tầng (hạ tầng chung, hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng giao thông); nhóm giải pháp chủ động về kiểm soát nguồn phát sinh khí thải; hoàn thiện, bổ sung quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với nguồn phát thải; xây dựng lộ trình giảm phát thải; chuyển đổi giao thông xanh, phát thải thấp; kiểm kê nguồn thải; đầu tư hệ thống quan trắc môi trường hiện đại…

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy bày tỏ sự đồng tình, thống nhất cao và tiếp thu các ý kiến phát biểu tại hội thảo để tham mưu, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương tập trung triển khai 2 nhóm giải pháp.

Thứ nhất là nhóm giải pháp về quy hoạch và đầu tư hệ thống hạ tầng chung, hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng giao thông đi đôi với bảo vệ môi trường, đặc biệt chú trọng về hệ thống hành lang cây xanh, dải phân cách nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí.

Thứ hai là nhóm giải pháp về chủ động kiểm soát nguồn phát sinh khí thải gây ô nhiễm môi trường không khí như: điều chỉnh, bổ sung quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với nguồn phát thải theo hướng nâng mức kiểm soát ngặt nghèo hơn; xây dựng lộ trình giảm phát thải, sau đó chuyển đổi hệ thống giao thông xanh, phát thải thấp hoặc kiểm kê nguồn thải; đầu tư hệ thống quan trắc hiện đại; xây dựng mô hình dự báo hiện đại và độ tin cậy cao...

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng xác định 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện như: hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về bảo vệ môi trường; nghiên cứu thiết lập cơ chế điều phối liên vùng, liên tỉnh về chất lượng không khí; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số trong theo dõi, phát hiện, xử lý, cung cấp thông tin về ô nhiễm không khí; tăng cường kiểm soát chặt chẽ các nguồn phát sinh khí thải…

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường cần tiếp tục rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các quyết định của Chính phủ về thực hiện kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí trong thời gian qua; thực hiện hoạt động quan trắc chất lượng không khí thường xuyên, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chất lượng không khí. Kịp thời cảnh báo về chất lượng không khí theo thời gian thực để bảo vệ sức khoẻ cho người dân. Rà soát, nâng cao hiệu quả đầu tư, tăng cường năng lực quan trắc môi trường. Đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật về kiểm soát ô nhiễm không khí…

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Bộ Xây dựng, UBND thành phố Hà Nội, UBND TPHCM thực hiện ngay một số biện pháp cấp bách nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí, đồng thời rà soát, bổ sung đầy đủ các nội dung kiến nghị có đủ luận cứ khoa học, phù hợp với điều kiện thực tiễn nước ta. Đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý chất lượng, kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Đoàn giám sát tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến tại hội thảo, đánh giá, làm rõ trong các hoạt động của Đoàn giám sát, phục vụ việc hoàn thiện báo cáo giám sát đáp ứng yêu cầu, mục đích của chuyên đề giám sát.

Gợi mở một số cách tiếp cận, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan cho rằng, cần chuyển từ cảnh báo ô nhiễm sang nuôi dưỡng không khí; phát động mỗi trường học một hàng cây, mỗi nhà một mái xanh; thí điểm khu dân cư không khói, giảm đốt rác, giảm khí thải xe máy; hạn chế xe máy cũ, hỗ trợ chuyển đổi phương tiện sạch; chuyển đổi đốt rơm, rạ, rác thải sang mô hình phân hủy, tái sử dụng tại nguồn.

Đồng thời, cần phát triển giao thông công cộng, mở rộng vùng đi bộ, xe đạp; tăng cây xanh đô thị, quy hoạch hành lang gió và mặt nước. Vận động hộ gia đình không đốt rác, sử dụng vật liệu xanh, phân loại rác; nhà trường hướng dẫn học sinh kiến thức, nhận thức về môi trường, ô nhiễm không khí.

Về các chính sách, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đề nghị áp dụng thuế môi trường theo hành vi tiêu dùng như xe cũ, bếp than, túi nilon; giảm thuế đóng góp nếu thực hiện nhiều hành vi tiêu dùng xanh. Bên cạnh đó, Quỹ sáng kiến môi trường khu dân cư, hỗ trợ các nhóm nhỏ có giải pháp cải thiện môi trường sống tại chỗ, gắn giáo dục môi trường với các trò chơi, thử thách lan tỏa trên mạng xã hội…

Phát biểu bế mạc hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa hoc, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết sẽ tiếp thu tối đa ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội, ý kiến của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học phát biểu tại hội thảo để tổng hợp, xây dựng và hoàn thiện báo cáo, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chuyên đề giám sát này với những nhiệm vụ, giải pháp mang tính khả thi cao.

Nhã Quyên (t/h)