Đánh giá giải pháp công nghệ lưới điện thông minh tại Việt Nam

Thứ bảy, 17/8/2019 | 09:00 GMT+7
Hội thảo "Đánh giá giải pháp công nghệ lưới điện thông minh tại Việt Nam" vừa diễn ra tại Hà Nội.

Hội thảo nằm trong các hoạt động của dự án Lưới điện thông minh cho năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng do Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) thực hiện.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thế Hữu, đại diện Cục Điều tiết điện lực cho biết: “Sau gần 7 năm thực hiện Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 8/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị ngành điện hoàn thành giai đoạn 1 và đang triển khai giai đoạn 2. Thông qua hội thảo lần này, chúng tôi kỳ vọng sẽ nhận được các ý kiến thảo luận, góp ý của những cán bộ chuyên gia kỹ thuật để cùng với tư vấn rà soát, đánh giá đề xuất phương hướng phát triển phù hợp với điều kiện thực tế của hệ thống điện Việt Nam trong giai đoạn sắp tới”.

Ông Ingmar Stelter, Giám đốc Chương trình hỗ trợ năng lượng Bộ Công Thương/GIZ nhận định: “Hệ thống điện Việt Nam đang chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng của nhiều nguồn năng lượng tái tạo hòa vào lưới điện, đặc biệt là điện mặt trời ở quy mô lớn. Với sự gia tăng nhanh chóng của các dự án điện gió và điện mặt trời, xu hướng này có thể sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Đó là chưa kể đến sự phát triển của những nhà máy điện năng lượng tái tạo quy mô lớn sẽ khuyến khích sự gia tăng nhanh chóng của các đơn vị phát điện nhỏ hơn và phi tập trung, nhất là các hệ thống điện mặt trời áp mái.

Do vậy, chúng ta cần nhanh chóng xác định các giải pháp công nghệ lưới điện thông minh nhằm giảm thiểu tác động của những thay đổi đáng kể lên hệ thống điện Việt Nam khi nhiều nguồn năng lượng tái tạo được hòa lưới, đồng thời vẫn hỗ trợ được việc quản lý nhu cầu điện đang ngày càng tăng cao”.

Quang cảnh hội thảo

Theo đánh giá của dự án, hiện nay, các hệ thống điều khiển giám sát và thu thập dữ liệu (SCADA)/hệ thống quản lý năng lượng (EMS) đang được triển khai áp dụng rộng rãi nhằm quản lý, điều khiển tự động đến hầu hết các lưới truyền tải cũng như mở rộng khả năng kết nối của hệ thống tự động điều chỉnh tăng giảm công suất phát điện (AGC) đối với tất cả các nhà máy điện có công suất trên 30MW. Tất cả các máy biến áp và kháng điện 500kV đều được trang bị thiết bị giám sát đầu máy biến áp trực tuyến (DGA), trong khi các máy biến áp 220kV quan trọng cũng đang được lên kế hoạch trang bị thiết bị DGA.

Bên cạnh đó, trên quy mô lớn, nhiều tổng công điện lực đang triển khai thành công hệ thống tự động thu thập và quản lý dữ liệu đo đếm từ xa (AMR) đến hầu hết các khách hàng trong khi các tổng công ty điện lực còn lại đặt mục tiêu trang bị hệ thống này đến toàn bộ các khách hàng trong 1 - 2 năm tới. Một phần các TBA 110kV đã được trang bị hệ thống tự động hóa trạm (SAS)…

Trong khi đó, ở quy mô nhỏ, xe điện và hệ thống trạm sạc xe điện chưa được phát triển rộng rãi, nhiều hệ thống mà lưới điện Việt Nam vẫn chưa có như: hệ thống đánh giá an ninh động (DSA), máy biến áp phân phối (MV,LV) điều chỉnh điện áp, hệ thống quản lý kế hoạch sửa chữa (OMS), hệ thống lưu trữ điện năng hay truyền tải điện cao áp một chiều (HVDC)…

Tại hội thảo, các chuyên gia tư vấn giới thiệu 14 công nghệ đã và đang được triển khai cho lưới điện của nhiều nước trên thế giới có thể áp dụng tại Việt Nam trong tương lai để tăng cường hòa lưới các nguồn năng lượng tái tạo vào lưới điện quốc gia, bao gồm: hệ thống dự báo, đánh giá ổn định động của hệ thống điện (DSA) trực tuyến, bộ chuyển đổi thông minh (inverter), công tơ điện thông minh…

Dựa trên ý kiến của đại biểu, chuyên gia tư vấn sẽ đưa ra danh sách các công nghệ năng lượng thông minh phù hợp nhất để phát triển tại Việt Nam với ưu tiên hàng đầu là hòa lưới nhiều nguồn năng lượng tái tạo và thúc đẩy hiệu quả năng lượng.

PV