Hội thảo là sự kiện khởi động cho dự án "Tăng cường sự phối hợp đồng bộ để thực hiện NDC (cam kết thực hiện giảm phát thải khí nhà kính) của Việt Nam trong hệ thống sản xuất lúa" do Viện nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) triển khai với sự hỗ trợ tài chính từ Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) phối hợp cùng Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường (ISPAE).
Hội thảo nhấn mạnh tầm quan trọng của sản xuất lúa phát thải thấp trong việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về ứng phó biến đổi khí hậu. Đặc biệt, hội thảo tập trung làm rõ vai trò tiên phong của Việt Nam - một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới trong phát triển các mô hình sản xuất lúa thân thiện môi trường thông qua Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.

Đẩy mạnh các giải pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa. (Ảnh minh họa)
Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Jongsoo Shin, Giám đốc khu vực châu Á của Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) cho biết, biến đổi khí hậu đang tác động nghiêm trọng đến an ninh lương thực toàn cầu. Việt Nam có tiềm năng lớn trong vai trò dẫn đầu chuyển đổi xanh cho ngành lúa gạo. Dự án mới này sẽ giúp xác định các cơ chế chính sách và thể chế hiệu quả, mang lại lợi ích kép trong việc giảm phát thải carbon, thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao sinh kế cho nông dân. Các giải pháp được thảo luận tại hội thảo hôm nay không chỉ hỗ trợ giảm phát thải mà còn nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân.
Tiến sĩ Jongsoo Shin đề cập đến Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp mà Việt Nam đang xây dựng, cho rằng đây là một trong những sáng kiến lớn, điển hình trong ngành lúa gạo của Việt Nam và khu vực.
Theo Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường (ISPAE) Trần Công Thắng, đổi mới sáng tạo là con đường quan trọng để giải quyết các thách thức hiện nay, trong bối cảnh ngành lúa gạo đóng vai trò sống còn đối với nông nghiệp Việt Nam cũng như an ninh lương thực toàn cầu.
Theo ông Trần Công Thắng, ngành lúa gạo đang đối mặt với những thách thức lớn về môi trường, đặc biệt là vấn đề phát thải khí nhà kính. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, canh tác lúa chiếm 48% tổng lượng phát thải khí nhà kính và hơn 75% lượng phát thải khí metan (CH₄) của ngành nông nghiệp. Do vậy, phát triển lúa gạo theo hướng bền vững, ít phát thải đang trở thành yêu cầu cấp thiết để Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu.
Theo đó, Việt Nam hiện đang đẩy mạnh các giải pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa. Một số chương trình và đề án tiêu biểu đã được triển khai thành công như dự án VnSAT với khoảng 180.000ha lúa áp dụng kỹ thuật canh tác phát thải thấp, đặc biệt là Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh được xem là bước đi mang tính chiến lược và có quy mô lớn nhất từ trước tới nay liên quan tới ngành hàng lúa gạo.
Tại hội thảo, các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp và biến đổi khí hậu đã chia sẻ tham luận về nhiều nội dung như: thực trạng và tiềm năng giảm phát thải từ ngành lúa Việt Nam trong khuôn khổ NDC; tận dụng sức mạnh tổng hợp cho hệ thống sản xuất lúa phát thải thấp tại Việt Nam, tập trung vào tăng cường hợp tác công - tư và xác định các lựa chọn chính sách hiệu quả; kết quả khảo sát về mức độ áp dụng các thực hành canh tác bền vững tại 5 tỉnh đại diện gồm Thái Bình, Nghệ An, An Giang, Kiên Giang và Sóc Trăng; phân tích cơ hội và thách thức trong phát triển canh tác lúa thân thiện với môi trường…
Bên cạnh các tham luận chính, hội thảo còn có 4 phiên thảo luận chuyên sâu về một số chủ đề: rào cản trong áp dụng phương thức sản xuất lúa phát thải thấp; hiệu quả của các chương trình hỗ trợ sản xuất bền vững; vai trò của hợp tác công - tư; đóng góp của các dự án tiên phong trong việc thực hiện các mục tiêu quốc gia.
Kết quả hội thảo sẽ là nền tảng quan trọng cho việc hoạch định chính sách và chiến lược phát triển hệ thống sản xuất lúa bền vững trong tương lai. Sau hội thảo, ba đơn vị đồng tổ chức dự kiến tiếp tục triển khai các nghiên cứu sâu hơn về phương thức canh tác phù hợp với từng vùng sinh thái nông nghiệp tại Việt Nam, đồng thời mở rộng mạng lưới đối tác để ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.