Tiềm năng điện địa nhiệt chưa được khai thác
Năng lượng địa nhiệt là năng lượng của nước nóng địa nhiệt dưới sâu. Nếu nhiệt độ của nước nóng đó lớn hơn 100 độ C thì có thể dùng cho phát điện gọi là điện địa nhiệt. Nếu nằm trong dải từ 30 độ C tới dưới 90 độ C thì sử dụng trực tiếp gồm xử lý thành nước khoáng thiên nhiên, xây dựng thành trạm điều dưỡng, chữa bệnh, tổ chức vui chơi du lịch. Trong điều kiện thuận lợi sẽ dùng giải pháp bơm nhiệt để hơi nước nóng đó mát về mùa hè, sưởi ấm về mùa đông.
Mặc dù điện - địa nhiệt của các nước trong khu vực châu Á phát triển sau các nước phương Tây, nhưng tới năm 2009, công suất của các nhà máy điện - địa nhiệt của Philippines, Nhật Bản và Indonesia chiếm tới 75% điện - địa nhiệt của Mỹ và Mexico cộng lại (3294,4MW/4450,5MW). Tới nay trên toàn thế giới đã có 26 nước có nhà máy điện - địa nhiệt. Nổi bật nhất phải kể tới các nước như Mỹ, Mexico, El-Savador, Costa Rica ở châu Mỹ La tinh; Italy, Iceland, Đức, Thụy Điển ở châu Âu, Philippines, Indonesia, Nhật Bản, Trung Quốc ở châu Á và Kenya ở châu Phi.
Ở Việt Nam, trên đất liền có khoảng gần 300 điểm lộ nước nóng và hàng ngày vẫn thường gọi là nước nóng - nước khoáng. Những điểm lộ đó nằm rải rác từ miền Bắc tới miền Nam, nhiệt độ thường vào khoảng từ 30 độ C tới 105 độ C, nhiều nhất ở 12 tỉnh ven biển miền Trung. Những điểm lộ nước nóng-nước khoáng Việt Nam thường biểu hiện dưới dạng xuất lộ trực tiếp trên mặt đất dưới dạng khí phun, hình thành những con suối nhỏ, hoặc được tìm thấy trong những giếng khoan nông của các công trình địa chất thủy văn. Một số trong gần 300 điểm lộ đó đã và đang được sử dụng trực tiếp phục vụ đời sống dân sinh. Hiện nay, có 4 điểm lộ điển hình, từ miền Bắc vào miền Nam đó là điểm nước nóng – nước khoáng Mỹ Lâm, (Yên Sơn, Tuyên Quang), nhiệt độ 76 độ C; điểm nước nóng - nước khoáng Suối Bang- nhiệt độ 105 độ C (Lệ Thủy, Tỉnh Quảng Bình); điểm nước nóng - nước khoáng nhiệt độ 83 độ C (Bình Châu, Vũng Tàu) và điểm nước nóng - nước khoáng Hội Vân, nhiệt độ 85 độ C (Phù Cát, Tỉnh Bình Định), cách TP. Quy Nhơn 40km về phía Nam. Hội Vân nay trở thành trung tâm điều dưỡng những người có công của Tỉnh Bình Định. Có thể nói năng lượng địa nhiệt trên đất liền và thềm lục địa Việt Nam như thế nào, cho tới nay vẫn chưa có đánh giá tổng thể. Tuy nhiên, các chuyên gia từ Italy, Pháp, Đức, Mỹ, Nhật Bản và New Zealand qua khảo sát đều cho rằng nguồn năng lượng địa nhiệt Việt Nam có thể phát triển cho điện địa nhiệt kể cả trên đất liền và thềm lục địa.
Sau một thời gian dài nghiên cứu, đánh giá, các nhà khoa học trong nước phối hợp với các chuyên gia nước ngoài cùng Công ty TNHH Nhật Linh (thương hiệu LiOA) đã tiến hành lập dự án đánh giá tiềm năng phát điện địa nhiệt khu vực xã Hội Vân, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, đến năm 2013 dự án mới được cấp phép khoan thăm dò và nay Công ty cổ phần điện địa nhiệt LiOA được thành lập nhằm mục đích thực hiện thành công dự án nhà máy điện địa nhiệt tại Hội Vân.
Bước đi đúng hướng
Phát biểu tại buổi Lễ động thổ khoan thăm dò Dự án nhà máy điện địa nhiệt Hội Vân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP điện địa nhiệt LiOA ông Nguyễn Chí Linh cho rằng “Để có được mũi khoan thăm dò điện địa nhiệt ở Hội Vân ngày hôm nay. chúng tôi đã trải qua quá trình nghiên cứu rất dài và gặp nhiều khó khăn do đây là dự án đầu tiên chưa từng thực hiện ở Việt Nam. Tuy nhiên, được sự giúp đỡ nhiệt tình của các cấp, ban ngành từ TW đến địa phương, chúng tôi tin tưởng và khẳng định quyết tâm có thể thực hiện thành công dự án, tiến tới xây dựng nhà máy điện sử dụng năng lượng sạch, không ô nhiễm môi trường cho đất nước, tạo công ăn việc làm, giúp kinh tế địa phương phát triển ngày một tươi đẹp”.
Được biết, ngày 27/11/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 1244 phê duyệt chương trình nghiên cứu năng lượng mã số KC – 05 – 11/15 gồm 6 nguồn năng lượng: năng lượng hạt nhân, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh học, năng lượng sóng biển và năng lượng địa nhiệt. Đây là quyết định kịp thời, hỗ trợ việc nghiên cứu năng lượng địa nhiệt Việt Nam sẽ sâu hơn và việc khởi công khoan thăm dò tại Hội Vân càng khẳng định đó là hướng đi phát triển năng lượng tái tạo phù hợp và kịp thời.
Theo các chuyên gia trải qua hàng trăm năm phát triền nền điện địa nhiệt. ngày nay nhờ khoa học và công nghệ phát triển điện-địa nhiệt không chỉ phát điện ở nhiệt độ trên 100 độ C mà còn phát điện ở dưới nhiệt độ này, thậm chí ngay cả trên những con suối nhỏ, nhiệt độ nước nóng chỉ trên 70 độ C. Nguyên lý của công nghệ mới này là đưa vào nước nóng chất lưu hữu cơ gọi là chất pentaluopropane hay còn gọi là chu trình Rankine. Từ năm 1970 chu trình Rankine đã được ứng dụng rộng rãi ở Cộng hòa liên bang Đức.
Chuyên gia Trần Trọng Thắng, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản, Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho rằng: Qua đánh giá sơ bộ nguồn nước nóng ở Hội Vân có thể xây dựng mà máy điện địa nhiệt với công suất từ 15-18 MW. Từ năm 1981 đã có các chuyên gia Mỹ về đây nghiên cứu nguồn nước nóng tự nhiên có thể dùng cho nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng của người dân. Đến năm 1991-1993 một nhóm chuyên gia New Zealand đã phối hợp với Tổng cục Địa chất Việt Nam nghiên cứu và đánh giá có nhiều tiềm năng phát điện được ở Hội Vân, có thể nói đây là đánh giá có giá trị nhất từ trước đến nay. Ngay sau đó. Viện Địa chất cũng có nghiên cứu sâu về đề tài này vá cũng kết luận nguồn nước nóng ở Hội Vân có thể phát điện được.
Trong hơn 30 năm qua các chuyên gia từ Italy, Pháp, Đức, Mỹ, Nhật Bản và New Zealand qua khảo sát đều cho rằng nguồn năng lượng địa nhiệt Việt Nam có thể phát triển cho điện - địa nhiệt. Ngày 22 tháng 8 năm 1996, Chính phủ Việt Nam đã cấp giấy phép cho Tập đoàn năng lượng OMART Hoa Kỳ - đầu tư xây dựng 6 nhà máy điện - địa nhiệt Việt Nam tại 6 địa phương thuộc 4 tỉnh miền Trung gồm Quảng Bình, Quảng Ngãi, Khánh Hòa. Bình Định (Hội Vân). Song do nhiều lý do khác nhau, những dự án đó không được thực thi trong thực tế. Chính vì vậy, hoàn toàn có thể khẳng định việc khoan thăm dò tại Hội Vân là bước đi tiếp theo khẳng định và đưa những nghiên cứu, đánh giá đi vào thực tế.
Theo ông Trần Trọng Thắng, để dự án đi vào thực hiện thành công còn rất nhiều bước đi, nghiên cứu năng lượng địa nhiệt, cũng giống như tìm kiếm, thăm dò dầu khí, đòi hỏi phải có khoan sâu. Chỉ có khoan sâu mới có tài liệu dưới sâu. Đó là độ dẫn nhiệt, gradient nhiệt độ, và dòng nhiệt giếng khoan. Những tài liệu này nhất thiết phải có để xác định bồn địa nhiệt và đánh giá năng lượng địa nhiệt của bồn. Chính vì vậy, dự án sẽ thực hiện từng bước và cần có thời gian đánh giá, điều chỉnh, việc đặt mũi khoan đầu tiên để thăm dò tại Hội Vân đã là bước tiến quan trọng của dự án cũng như nền địa nhiệt nước nhà.