Nông nghiệp sạch

Đẩy mạnh phát triển bền vững ngành hàng sắn

Thứ năm, 27/6/2024 | 17:07 GMT+7
Ngày 27/6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức hội nghị phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Sắn (mì) là một trong số các cây trồng được đưa vào danh mục sản phẩm cây trồng chủ lực quốc gia, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và góp phần nâng cao đời sống cho người nông dân.

Để trợ lực ngành sắn, Bộ NN&PTNT vừa phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Đề án có mục tiêu đến năm 2030, sản lượng sắn tươi cả nước đạt khoảng 11,5 - 12,5 triệu tấn; trong đó sản lượng sắn tươi dùng để chế biến sâu một số sản phẩm (tinh bột, etanol, mỳ chính...) chiếm khoảng 85%; diện tích trồng sắn sử dụng giống đúng tiêu chuẩn chất lượng đạt 40 - 50%; diện tích trồng sắn áp dụng quy trình canh tác bền vững đạt 50%; kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,8 - 2,0 tỷ USD.

Tầm nhìn đến năm 2050, ngành hàng sắn Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững, 70 - 80% diện tích trồng sắn áp dụng quy trình canh tác bền vững, sản lượng sắn tươi dùng để chế biến sâu một số sản phẩm chiếm trên 90%, kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt khoảng 2,3 - 2,5 tỷ USD.

Phát triển bền vững ngành hàng sắn

Để triển khai thực hiện hiệu quả đề án, tại hội nghị, các đại biểu cùng tham gia thảo luận, đề xuất một số giải pháp như: cần xây dựng cơ chế, chính sách phát triển ngành hàng sắn; rà soát, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ sắn. Quy hoạch vùng nguyên liệu sắn ổn định; phát triển biện pháp canh tác năng suất cao, bền vững, nhất là vùng đất nghèo, đất dốc; tổ chức truyền thông làm rõ vai trò của cây sắn và ngành hàng sắn. Thực hiện tốt biện pháp phòng, chống sinh vật gây hại trên cây sắn, đặc biệt là bệnh khảm lá sắn thông qua biện pháp trồng giống kháng, giống sạch bệnh.   

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ chế biến tuần hoàn, tận dụng mọi phụ phẩm trong chế biến sắn để tăng hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường, góp phần mở rộng thị trường, thị phần, đa dạng chủng loại hàng hóa tiêu dùng và xuất khẩu sắn, các sản phẩm từ sắn…

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung nhấn mạnh, những năm qua, ngành hàng sắn đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, để phát triển ngành hàng sắn xứng tầm vị thế, trong thời gian tới, các đơn vị, địa phương cần chú trọng công tác tổ chức sản xuất sắn bền vững: nâng cao khả năng sản xuất và phạm vi sử dụng giống sắn kháng bệnh khảm lá; nghiên cứu sâu kỹ thuật canh tác ứng với đặc trưng từng vùng sinh thái, điều kiện canh tác; đẩy mạnh liên kết sản xuất, đầu tư hạ tầng đối với vùng nguyên liệu trồng sắn; nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất sắn.

Ngoài ra, cần tăng cường các chính sách khuyến khích phát triển ngành hàng sắn; đưa cây sắn vào kế hoạch, nghị quyết phát triển của địa phương để làm tiền đề đầu tư, phát triển; mở rộng các thị trường xuất khẩu sắn tiềm năng khác, bên cạnh Trung Quốc.

Ngọc Huyền (T/H)