Nông nghiệp sạch

Tỉnh Đắk Nông bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản

Thứ năm, 27/6/2024 | 16:28 GMT+7
UBND tỉnh Đắk Nông yêu cầu các Sở, ban ngành, đơn vị thực hiện Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030 và Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, theo Kế hoạch số 417/KH-UBND, UBND tỉnh Đắk Nông đặt mục tiêu bảo tồn, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản nhằm phục hồi và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lợi thủy sản, các hệ sinh thái thủy sinh; gắn hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, quản lý nguồn lợi thủy sản với hoạt động khai thác thủy sản bền vững; nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội về khai thác, bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản góp phần phát triển thủy sản bền vững, giữ gìn tính đa dạng sinh học, giá trị tài nguyên sinh vật; thúc đẩy tăng trưởng xanh, nâng cao đời sống và sinh kế cho người dân.

Phát triển khai thác thủy sản bền vững, có trách nhiệm; bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống thiên tai; góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, đảm bảo an sinh xã hội.

Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tỉnh Đắk Nông

Với mục tiêu đó, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu tại địa phương, tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật liên quan đến khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, trách nhiệm và quyền lợi của cộng đồng, đặc biệt là người dân làm nghề khai thác thủy sản, thanh thiếu niên, học sinh các cấp tại địa phương. Tăng cường công tác thông tin truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, cộng đồng, xã hội về vai trò, giá trị của nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái thủy sinh; lợi ích, trách nhiệm của cộng đồng tham gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là bảo vệ loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; qua đó nâng cao nhận thức, hành động của nhân dân trong bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản. Đa dạng hóa phương thức truyền thông, lựa chọn phương thức truyền thông phù hợp với văn hóa, tập quán, xác định đúng trọng tâm truyền thông và đối tượng truyền thông để nâng cao hiệu quả; phối hợp với địa phương, tổ chức chính trị xã hội, nghề nghiệp, tổ chức tôn giáo đẩy mạnh tuyên truyền thả phóng sinh, thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Điều tra đánh giá nguồn lợi thủy sản vùng nội địa, môi trường sống của các loài thủy sản và nghề cá thương phẩm trên địa bàn tỉnh, trong đó ưu tiên điều tra các lưu vực sông, suối, hồ chứa lớn, nơi có các giống loài thủy sản đặc hữu, tính đa dạng sinh học cao, khu vực tập trung bãi giống, bãi đẻ của các loài thủy sản. Cập nhật cơ sở dữ liệu thành phần về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản thuộc cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản; cập nhật thông tin, công bố kết quả điều tra nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản.

Bên cạnh đó, cần khai thác nguồn lợi thủy sản theo hướng thân thiện với môi trường, khai thác chọn lọc, không khai thác thủy sản còn non. Tăng cường tổ chức kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; khuyến cáo không sử dụng xung điện, chất độc, chất nổ, ngư cụ cấm để đánh bắt, khai thác thủy sản; không khai thác loài thủy sản có kích thước nhỏ và các loài nguy cấp, quý, hiếm; tăng cường xử lý hoạt động sử dụng xung điện, chất độc, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, tận diệt, khai thác loài thủy sản có kích thước nhỏ hơn quy định, khai thác, vận chuyển, mua bán tiêu hủy các loài nguy cấp, quý hiếm.

Tăng cường nghiên cứu sinh sản nhân tạo, ương nuôi, thả tái tạo một số loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm, loài có giá trị kinh tế, khoa học, bản địa, đặc hữu vào các thủy vực; quản lý khu vực, loài thủy sản được tái tạo, phục hồi để bảo đảm hiệu quả phục hồi và bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản, nhất là khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống, nơi cư trú và đường di cư tự nhiên của các loài thủy sản. Đánh giá hiệu quả hoạt động tái tạo nguồn lợi thủy sản, phục hồi hệ sinh thái và môi trường sống của các loài; huy động nguồn lực tài chính từ các tổ chức, hội, hiệp hội ngành thủy sản, Giáo hội phật giáo các cấp, cộng đồng dân cư tham gia hoạt động bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Thành lập tổ cộng đồng trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản phù hợp với nhu cầu của người dân theo hướng bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản kết hợp với nuôi trồng, phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm; đảm bảo sinh kế bền vững và an sinh xã hội. Xây dựng quy chế phối hợp thực hiện đồng quản lý giữa các đơn vị, tổ chức có liên quan; tổ chức tuyên truyền, tập huấn, hỗ trợ người dân, cộng đồng có nguyện vọng tham gia thực hiện đồng quản lý; tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật cho tổ chức cộng đồng đã được công nhận và giao quyền quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Lưu ý, việc thành lập tổ cộng đồng trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản phải phù hợp với nhu cầu của người dân theo hướng bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản kết hợp với nuôi trồng, phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, đảm bảo sinh kế bền vững và an sinh xã hội.

Thanh Bảo