Văn hóa, du lịch

Đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa Việt Nam

Thứ sáu, 14/4/2023 | 16:41 GMT+7
Ngày 14/4, tại diễn đàn Phát triển du lịch văn hóa Việt Nam, các chuyên gia, nhà quản lý đã cùng trao đổi, góp ý để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa gắn với du lịch.

Phát biểu tại diễn đàn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết, du lịch văn hóa đã được UNESCO định nghĩa là một loại hình du lịch, với mục đích cơ bản là đưa du khách tìm hiểu khám phá, trải nghiệm và tiêu dùng các sản phẩm văn hóa vật thể và phi vật thể tại các điểm đến du lịch.

Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta từ lâu đã xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế chủ chốt. Vì vậy, việc phát triển du lịch bền vững gắn liền với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và giá trị văn hóa là vô cùng cấp thiết.

Theo bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới đã thành công trong việc khai thác các yếu tố văn hóa để phát triển du lịch như Indonesia, Hàn Quốc, Trung Quốc... Từ kinh nghiệm thực tiễn của các quốc gia, Việt Nam có thể coi việc khai thác các giá trị văn hóa để phát triển du lịch là hướng đi mới, giúp ngành du lịch phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Diễn đàn Phát triển du lịch văn hóa Việt Nam

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cũng khẳng định, Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch văn hóa do có nguồn tài nguyên phong phú, đặc sắc với 5 di sản văn hóa vật thể, 1 di sản hỗn hợp, 14 di sản văn hóa phi vật thể, 7 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh; hơn 4.000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia, 128 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, trên 400 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và hơn 9.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh...

Hiện nay, nhiều sản phẩm du lịch văn hóa đã trở thành thương hiệu đặc trưng, tạo nên sự khác biệt cho hệ thống sản phẩm du lịch của Việt Nam. Có thể kể đến như: quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình), quần thể di tích cố đô Huế (Thừa Thiên Huế), khu di tích Mỹ Sơn và phố cổ Hội An (Quảng Nam). Nhiều chương trình du lịch văn hóa được xây dựng và thực hiện thành công, tạo thương hiệu cho du lịch Việt Nam như: con đường di sản miền Trung, các cố đô Việt Nam, con đường xanh Tây Nguyên...

Nhờ đó, Việt Nam đã đạt được nhiều giải thưởng du lịch tiêu biểu của Tổ chức giải thưởng du lịch thế giới (World Travel Awards) như: điểm đến di sản hàng đầu thế giới (trong 3 năm 2019, 2020, 2022); điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á (2019); điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á (2019) - Hội An; điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á (2019); điểm đến vui chơi, giải trí hàng đầu thế giới - đảo ký ức Hội An; điểm du lịch văn hóa hàng đầu thế giới - Sun World Fansipan Legend (2022).

Phát biểu góp ý tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông nhấn mạnh, vai trò của văn hóa với du lịch là một tiềm năng mạnh, trụ cột để phát triển du lịch bền vững. Việt Nam đã khai thác du lịch một cách hiệu quả dựa trên những gì đang có và còn rất nhiều lợi thế, tiềm năng khác có thể phát triển. Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã và đang tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức nhiều hoạt động, chương trình nhằm phát triển du lịch văn hóa quốc gia.

Tới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ cùng Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam xây dựng chương trình “Việt Nam huyền sử ca” để quảng bá, bảo tồn giá trị văn hóa lịch sử dân tộc, kết hợp với yếu tố công nghệ hiện đại để công chúng dễ thưởng thức, dễ lan tỏa tính giáo dục, thẩm mỹ, tính thời đại. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ liên kết phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam qua điện ảnh năm 2023 cùng với tổ chức hội nghị từ ngày 25 – 27/5 tại Khánh Hòa để đề cập đến mối quan hệ giữa 2 lĩnh vực du lịch - điện ảnh, để các phim Việt Nam quảng bá ra nước ngoài có thương hiệu, sản phẩm du lịch Việt Nam.

Việt Nga