Năng lượng tái tạo

Đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo từ kinh nghiệm quốc tế

Thứ năm, 19/9/2019 | 10:38 GMT+7
Các chuyên gia từ Đức và Ấn Độ đã tìm hiểu, chia sẻ kinh nghiệm và nhân rộng những bài học thành công để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng tái tạo ở Việt Nam một cách bền vững trong tương lai.

Năng lượng tái tạo chính là nguồn năng lượng của tương lai gần để dần thay thế các nguồn điện truyền thống. Tính đến tháng 4/2019, năng lượng tái tạo chiếm 1/3 công suất điện toàn cầu.

Từ năm 2017 đến nay, Chính phủ đã ban hành hàng loạt chính sách ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo để thúc đẩy sản xuất và thu hút nguồn đầu tư trong và ngoài nước. Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh của Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu tới năm 2020 tổng nguồn điện quốc gia được cung cấp bằng năng lượng tái tạo là 7% và tăng lên 10% vào năm 2030. Tính tới tháng 7/2019, điện mặt trời và điện gió là hai nguồn năng lượng tái tạo chính được đưa vào vận hành thương mại với mức công suất lần lượt đạt 4.543,8 MW và 626,8 MW, chiếm hơn 9% tổng cơ cấu nguồn điện quốc gia. Kết quả thực tế này đã vượt xa mục tiêu đặt ra tới 2020. Đó là những thay đổi tích cực thể hiện sự nỗ lực cần được ghi nhận của người dân và chính phủ để giảm dần sự phụ thuộc vào các dạng năng lượng truyền thống nhằm bảo vệ môi trường, vì sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ về phát triển năng lượng tái tạo. Đặc biệt với kỷ lục về công suất điện mặt trời mới đưa vào vận hành, Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường năng lượng tái tạo sôi động và hấp dẫn nhất trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, quá trình phát triển “thần tốc” này cũng đang đặt ra những thách thức mới về sự phát triển đồng bộ của hệ thống lưới điện, sử dụng đất, cơ chế giá điện, nguồn nhân lực/việc làm và nguồn tài chính... Để Việt Nam có thể vượt qua những thách thức này, rất cần sự chung tay, ủng hộ và nỗ lực hành động của các bên, bao gồm các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, chính quyền và cộng đồng địa phương đến các tổ chức phát triển hay khối tài chính, ngân hàng.

Mới đây, tại Hà Nội, Tuần lễ năng lượng tái tạo 2019 đã được tổ chức với sự tham gia của các chuyên gia đến từ các nước giàu kinh nghiệm, nổi bật là đại diện của IEEFA (Hoa Kỳ), Amplus Solar (Ấn Độ) và Agora Energiewende (Đức). Tại chương trình, các bên liên quan đã chia sẻ ý kiến về xu hướng chuyển dịch sang nguồn năng lượng tái tạo của Việt Nam, chia sẻ các bài học thành công trong câu chuyện chuyển dịch năng lượng của các nước trên thế giới, cũng như thảo luận tháo gỡ vướng mắc và nhân rộng những bài học thành công để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng tái tạo một cách bền vững trong tương lai.

Toàn cảnh chương trình Tuần lễ năng lượng tái tạo 2019

Cụ thể, trong phiên thảo luận, đại diện của Amplus Solar (thành viên của tập đoàn Petronas, Malaysia), ông Ojavis Gupta đã trình bày kinh nghiệm chuyển dịch năng lượng tái tạo nhờ mô hình năng lượng điện mặt trời áp mái của Ấn Độ. Tổng công suất năng lượng điện tại Ấn Độ vào ngày 31/03/2019 là 356 GW, trong đó năng lượng tái tạo là 78 GW (22%). Chính phủ Ấn Độ đang tập trung xây dựng và thúc đẩy mạnh phát triển điện mặt trời áp mái, bằng cách: tạo ra thị trường nhờ đấu thầu, cơ chế khuyến khích dựa trên năng suất, hỗ trợ lãi suất, thời kì miễn thuế, cơ chế bù trừ… nhằm đạt mục tiêu 100 GW điện mặt trời tới năm 2022, trong đó 40 GW từ điện mặt trời áp mái.

Xét trong trường hợp của Việt Nam, ông Ojavis Gupta đề ra hai khía cạnh quan trọng cần được giải quyết. Thứ nhất, mô hình lắp đặt hoạt động điện mặt trời áp mái nên được phép kêu gọi sự tham gia từ các bên tư nhân lớn hơn. Thứ hai, đơn giản hóa khung pháp lý cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) để đầu tư vào điện mặt trời áp mái.

Ông Ojavis Gupta trình bày về kinh nghiệm chuyển dịch năng lượng của Ấn Độ tại chương trình

Cũng trong khuôn khổ chương trình Tuần lễ năng lượng tái tạo 2019, ông Markus Steigenberger, Phó Giám đốc Agora Energiewende, đã so sánh hệ thống điện giữa Việt Nam và Đức. Theo số liệu thống kê của Quy hoạch điện VII và chương trình hỗ trợ điện từ Đức vào Việt Nam, tỉ phần năng lượng tái tạo của Việt Nam chỉ chiếm 1% vào năm 2017, trong khi ở Đức là 25% năm 2018. Con số này sẽ ngày càng được tăng lên khi Chính phủ Đức coi chuyển dịch năng lượng là một chiến lược dài hạn giúp phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Trong thời gian tới, Đức sẽ đóng cửa tất cả các cơ sở hạt nhân cho đến cuối năm 2022, đóng cửa tất cả nhà máy điện than vào cuối năm 2038, tăng tỷ phần của năng lượng tái tạo trong tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng lên mức 60% vào năm 2050.

Đẩy mạnh năng lượng tái tạo là một hướng đi chính xác, tuy nhiên cần phải giải quyết được những thách thức về tính linh hoạt của hệ thống. Năng lượng gió và năng lượng mặt trời chiếm 2/3 lượng điện từ năng lượng tái tạo, tuy nhiên tỉ trọng của hai nguồn năng lượng này luôn biến đổi do đặc tính tự nhiên, điều này dẫn đến những thời điểm thừa điện và thiếu điện. Để giải quyết cho tính linh hoạt này, ông Steigenberger đưa ra 3 giải pháp chính có thể áp dụng vào Việt Nam mà Đức đã thực hiện rất thành công, đó là: đẩy mạnh phát triển mạng lưới truyền tải điện, cơ sở hạ tầng; duy trì song song hệ thống phát điện truyền thống (nhiệt điện, hóa thạch…) một cách linh hoạt; thúc đẩy công nghệ lưu trữ (pin, ắc – quy, thủy điện…).

Năng lượng tái tạo là tương lai của hệ thống điện. Điều quan trọng bây giờ là từng bước hoàn thiện quá trình chuyển dịch từ nguồn nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo theo kinh nghiệm quốc tế, để việc phát triển năng lượng tái tạo không chỉ đóng góp trực tiếp cho sự vận hành, phát triển của ngành điện mà còn mang lại những ảnh hướng tích cực đến đời sống – xã hội và sự phát triển chung của toàn nền kinh tế, ông Phạm Ngọc Linh, Vụ Trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương nhận định.

Thanh Bảo