Phát biểu tại hội thảo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn nhấn mạnh, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch là xu hướng tất yếu nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội, thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, những năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành/trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều chính sách ưu đãi đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
![](/userfile/User/thanhtam/images/2024/11/13/tin-dung-nong-nghiep-20241113224520416.jpg)
Quang cảnh hội thảo
Kết quả là đến cuối tháng 8/2024, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Nghị định 55/2015/NĐ-CP và Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ đạt gần 27.000 tỷ đồng với hơn 9.600 khách hàng còn dư nợ. Doanh số cho vay trong 8 tháng năm 2024 đạt khoảng 15.000 tỷ đồng (doanh số năm 2022 khoảng 15.000 tỷ đồng, năm 2023 hơn 20.000 tỷ đồng). Đáng chú ý, chất lượng tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được kiểm soát, nợ quá hạn ở mức thấp (chiếm tỷ lệ khoảng 1,1% tổng dư nợ).
Theo bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, vốn tín dụng là một trong các nguồn lực quan trọng để người dân, doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, áp dụng cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Các công nghệ sản xuất trong nhà kính, nhà lưới, tưới nước tiết kiệm và chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế đã được ngành ngân hàng cho vay để đầu tư, bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần đưa nông sản Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc cung ứng tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thời gian qua còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: dự án nông nghiệp công nghệ cao thường yêu cầu vốn vay lớn, thời gian dài; sản xuất nông nghiệp luôn tiềm ẩn rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, trong khi các công cụ phòng ngừa và hạn chế rủi ro còn chậm triển khai; số lượng các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch hiện còn hạn chế; nhiều dự án chưa được đầu tư bài bản, chưa chứng minh được tính khả thi, hiệu quả, thị trường tiêu thụ không ổn định... nên ngân hàng khó khăn trong thẩm định và quyết định cho vay.
Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) Phạm Minh Tú nhấn mạnh, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch đang là một trong những mục tiêu chính sách quan trọng và là xu thế tất yếu của nhiều quốc gia ở mọi trình độ phát triển trong tiến trình đổi mới. Tùy vào từng điều kiện, hoàn cảnh, mỗi nước có cách tiếp cận khác nhau đối với khái niệm về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp bền vững, nông nghiệp sạch như: nông nghiệp bền vững (sustainable agriculture), nông nghiệp thông minh (smart farming), nông nghiệp tuần hoàn (circular agriculture)…
Tuy nhiên, các khái niệm này đều hội tụ lại ở 3 khía cạnh về kinh tế, xã hội, môi trường; trong đó sự phát triển về kinh tế cần bảo đảm sự hài hòa với phát triển xã hội, bảo vệ môi trường, khuyến khích việc áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại và áp dụng nguyên tắc về bảo vệ môi trường vào quá trình sản xuất, thương mại, dịch vụ nông nghiệp. Việt Nam không thể nằm ngoài quá trình chuyển dịch này, cần chủ động nắm bắt để có thể triển khai hiệu quả, bài bản với những chiến lược, định hướng và lộ trình cụ thể.
Trên cơ sở chia sẻ, trao đổi, thảo luận của các chuyên gia, đại biểu, hội thảo đã thống nhất đề xuất một số nhóm giải phải để tăng cường khả năng cung ứng, tiếp cận vốn tín dụng đối với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.
Theo đó, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, lãi suất linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, tạo điều kiện giảm lãi suất thị trường; phối hợp với các Bộ, ngành, đơn vị liên quan hoàn thiện báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 55/2015/NĐ-CP, Nghị định 116/2018/NĐ-CP, đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách; chỉ đạo tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai có hiệu quả chính sách cho vay theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, Nghị định 116/2018/NĐ-CP và một số chương trình cho vay lĩnh vực lâm sản, thủy sản, phát triển bền vững…
Bên cạnh các giải pháp của ngành ngân hàng, các Bộ, ngành liên quan phối hợp để nâng cao hiệu quả đầu tư vốn tín dụng phục vụ lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, góp phần thực hiện thành công kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó tập trung vào một số giải pháp chính về quy hoạch, đánh giá, dự báo về nhu cầu thị trường đối với sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao làm cơ sở định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm…