Ngày 31/10, tại hội nghị về giảm tỉ lệ protein thô trong khẩu phần thức ăn chăn nuôi lợn: một tác động ba lợi ích, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Xuân Dương cho biết, sản xuất chăn nuôi là một trong những khu vực gây ảnh hưởng trực tiếp và đáng kể đến vấn đề phát thải khí nhà kính (ước tính chiếm khoảng 10 - 18% tổng lượng phát thải khí nhà kính, tùy điều kiện chăn nuôi của mỗi quốc gia), tác nhân gây biến đổi khí hậu toàn cầu. Do đó, kiểm soát môi trường và khí phát thải từ hoạt động chăn nuôi của Việt Nam là vấn đề lớn và còn nhiều bất cập do mật độ chăn nuôi lớn. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có quy mô chăn nuôi nhỏ chiếm tỷ lệ cao; công nghệ xử lý chất thải tuy nhiều nhưng chưa hoàn thiện và phù hợp, nhất là ở cơ sở chăn nuôi vừa và nhỏ.
![](/userfile/User/thanhtam/images/2024/10/31/giam-phat-thai-chan-nuoi-20241031163755305.jpg)
Thay đổi khẩu phần ăn để giảm phát thải ngành chăn nuôi
Tại Hà Nội - một trong những địa phương có tổng đàn chăn nuôi lớn nhất cả nước, vấn đề giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động chăn nuôi cũng cần được quan tâm đúng mực. Hội Nông dân thành phố Hà Nội thời gian qua đã đẩy mạnh triển khai dự án "Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế" với các mô hình chăn nuôi thân thiện với môi trường, xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp làm phân hữu cơ, giúp giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động chăn nuôi.
Các hoạt động không chỉ góp phần xây dựng nền nông nghiệp xanh bền vững mà còn giảm thiểu tác hại từ hoạt động chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp tới môi trường xung quanh, hạn chế phát thải khí nhà kính gây biến đổi khí hậu tác động xấu đến cuộc sống của con người.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, để giảm tác hại từ khí phát thải trong chăn nuôi, ngành chăn nuôi đã triển khai nhiều biện pháp như: xử lý chất thải chăn nuôi bằng công nghệ biogas, đệm lót sinh học; sử dụng khẩu phần thức ăn dinh dưỡng hợp lý và bổ sung các chế phẩm nhằm hạn chế khí phát thải của vật nuôi.
Các đại biểu tham gia hội nghị cho rằng, để nhân rộng các mô hình xử lý chất thải và kiểm soát khí nhà kính trong chăn nuôi từ thức ăn chăn nuôi, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ về đất đai cho chăn nuôi tập trung, chính sách tín dụng ưu đãi cho người chăn nuôi vay đầu tư áp dụng công nghệ phù hợp, hiệu quả.
Trước mắt, từ nay đến năm 2030, các địa phương chỉ nên áp dụng hình thức khuyến khích cơ sở chăn nuôi tự nguyện thực hiện việc kiểm kê và kiểm soát khí phát thải trong chăn nuôi. Tăng cường hoạt động tuyên truyền, đào tạo cán bộ kỹ thuật chuyên môn, hoàn thiện công nghệ, chính sách để nâng cao năng lực quản lý, ứng dụng công nghệ trong xử lý chất thải, kiểm kê và kiểm soát khí nhà kính trong chăn nuôi…