Tại hội nghị, đại diện Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, Chính phủ đã ban hành “Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025”. Kế hoạch đề ra một số định hướng, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm như: phát triển ngành tôm theo hướng quy mô, ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, chất lượng, đạt chứng nhận tôm sinh thái, hữu cơ, GAP; phát triển các mô hình hợp tác, liên kết dựa trên cơ sở hợp nhất đơn vị sản xuất nhỏ lẻ, phân tán thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, chi hội nghề nghiệp...
Kế hoạch đặt ra những mục tiêu thực sự cấp thiết khi ngành tôm bấy giờ chưa phát huy được hết những tiềm năng và lợi thế sẵn có. Bên cạnh hạn chế về nguồn lực, tài chính, biến đổi khí hậu... thì mối liên kết rời rạc, lỏng lẻo giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị ngành tôm cũng làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam trên trường quốc tế.
![](/userfile/User/thanhtam/images/2024/11/4/nuoi-tom-ben-vung-20241104170215193.jpeg)
Nhân rộng mô hình nuôi tôm bền vững
Thực hiện kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt nhiệm vụ xây dựng mô hình liên kết, hợp tác sản xuất trong ngành tôm thuộc đề án tổng thể phát triển ngành công nghiệp tôm nước lợ Việt Nam đến năm 2030. Nhiệm vụ hướng đến điều tra, đánh giá các mối liên kết ngang, dọc theo phương thức nuôi tôm nước lợ khác nhau (tôm - lúa, tôm - rừng, tôm trên cát, tôm công nghiệp quy mô nhỏ). Quá trình triển khai sẽ xây dựng những giải pháp tổ chức, quản lý liên kết sản xuất, đào tạo tấp huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ hợp tác xã/tổ hợp tác và người sản xuất…
Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã phối hợp với trung tâm khuyến nông các tỉnh, công ty cung cấp vật tư đầu vào cùng tham gia chuỗi liên kết thông qua hàng loạt lớp tập huấn hướng dẫn tiến bộ kỹ thuật nuôi tôm – lúa, tôm – rừng tại Sóc Trăng và Cà Mau; nuôi tôm trên cát, tôm công nghiệp tại Hà Tĩnh, Quảng Ninh; hướng dẫn cách thuần hóa tôm giống ở môi trường có độ mặn thấp, cách thả giống đúng quy trình nhằm đảm bảo tỷ lệ sống cao; sử dụng chế phẩm đúng cách, phù hợp với từng vùng, từng tiểu khí hậu; sử dụng thiết bị quan trắc môi trường, ghi chép sổ nhật ký…; hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật mới, áp dụng quy trình quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi; hỗ trợ tư vấn cơ sở thực hiện theo GAP; cán bộ khuyến nông thực hiện hỗ trợ, giám sát…
Năm 2024, Trung tâm Khuyến nông quốc gia tiếp tục xây dựng mô hình liên kết "6 nhà" với đầu tàu là hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Long Hải (thị trấn Phước Long, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) trên quy mô 30ha; mô hình liên kết "5 nhà" tại các tỉnh Nghệ An, Nam Định.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Lê Quốc Thanh khẳng định, Việt Nam có bờ biển trải dài, có dư địa lớn để phát triển lớn mạnh nghề nuôi tôm. Đan xen với đó là hệ thống cơ sở pháp lý, chiến lược, định hướng, công nghệ chế biến, thị trường ổn định, bao gồm cả trong nước lẫn xuất khẩu, đây là những yếu tố cốt lõi để vươn tầm ra biển lớn.
Ông Lê Quốc Thanh nhấn mạnh, ngành tôm đã đạt được một số thành tựu nhất định, thể hiện qua nhiều quy trình công nghệ, nhiều sáng tạo đã được áp dụng hiệu quả vào sản xuất. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã đạt được, ngành tôm còn gặp thách thức trong quá trình quy hoạch vùng nuôi, phụ thuộc về chất lượng vật tư đầu vào, thị trường bấp bênh, chưa xây dựng được vùng nguyên liệu bền vững…
Tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Phát triển nuôi tôm bền vững, giảm phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long”, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã đề ra nhiều giải phải pháp để phát triển ngành tôm. Trong đó có thay đổi tư duy sản xuất nuôi trồng thủy sản sang tư duy kinh tế thủy sản áp dụng vào phát triển và sản xuất ngành hàng tôm; tập trung nâng cao năng lực quản lý, sản xuất theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong quản lý, sản xuất giống, vật tư thủy sản, phòng trừ dịch bệnh.
Đặc biệt, chú trọng nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao trong bể tuần hoàn lọc sinh học hiện đại trong nhà kín; nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao trong hệ thống biofloc; giải pháp tối ưu hóa dinh dưỡng trong nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh theo quy trình Grofarm; ứng dụng chế phẩm sinh học và phát triển nuôi tôm nước lợ; công nghệ nuôi tôm hai giai đoạn; công nghệ điện hóa – siêu âm tích hợp vi bọt khí điện từ trường trong xử lý ô nhiễm nước nuôi tôm; giải pháp về thức ăn và công nghệ nuôi giảm phát thải…