Công điện gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam nêu: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2024 phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) và Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 1/4/2024 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.
Để thực hiện hiệu quả các nội dung chỉ đạo của Thường trực Chính phủ tại thông báo số 412/TB-VPCP ngày 12/9/2024 của Văn phòng Chính phủ và các chỉ đạo khác của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo an ninh cung ứng điện trong mọi tình huống và đáp ứng mục tiêu của Quy hoạch điện VIII, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị:
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tại địa phương thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp được giao tại các quyết định phê duyệt Quy hoạch điện VIII và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII; các nghị quyết của Chính phủ, chỉ thị, công điện, văn bản chỉ đạo điều hành của Thủ tướng Chính phủ, trong đó lưu ý tập trung vào một số công việc cụ thể sau:
Đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà đầu tư theo thẩm quyền đối với các dự án điện, đặc biệt những dự án điện lớn có thời gian triển khai dài, đảm bảo khả năng bổ sung nguồn điện quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đối với các dự án đã được cấp phép triển khai, yêu cầu nhà đầu tư thực hiện đúng cam kết. Trường hợp không thực hiện theo đúng cam kết, cần quyết liệt thu hồi giấy phép hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiên quyết thu hồi giấy phép theo đúng quy định của pháp luật, tránh tình trạng chủ đầu tư thiếu năng lực nhưng chây ì, chậm triển khai, ảnh hưởng tới cơ hội phát triển các nhà đầu tư có năng lực và tình hình cung ứng điện trong dài hạn.
Phối hợp với các chủ đầu tư, ưu tiên hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án điện, nhất là dự án, công trình quan trọng quốc gia được hiệu quả, đúng tiến độ đề ra theo các cam kết của địa phương nhằm tạo cơ sở vững chắc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đặc biệt là các cam kết với nhà đầu tư nước ngoài, tránh ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, thu hút nguồn vốn nước ngoài cho phát triển điện lực.
![](/userfile/User/dohuong/images/2024/9/23/du-an-dien-20240924095252139.jpg)
Ảnh minh họa
Bộ Công Thương yêu cầu các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam và Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam tích cực phối hợp với các địa phương, tập trung mọi nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ triển khai những dự án điện đã được giao, đảm bảo tiến độ được duyệt theo quy định; kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp lý trong triển khai dự án (nếu có).
Với, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công Thương, Văn phòng Ban Chỉ đạo Nhà nước các dự án ngành năng lượng tiếp tục tổ chức hiệu quả việc theo dõi, kiểm tra để đôn đốc tình hình triển khai thực hiện các dự án điện đã được duyệt tại Quy hoạch điện VIII, đặc biệt là các dự án hạ tầng cơ sở nhập khẩu than, khí LNG. Thường xuyên báo cáo, kiến nghị kịp thời giải quyết các vướng mắc và tồn tại để hoàn thành các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo giao.
Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo khẩn trương rà soát tổng thể tình hình phát triển các nguồn điện trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII theo hướng chuyển điện nền từ điện than sang điện khí, ưu tiên sản xuất trong nước để xây dựng báo cáo, trình cấp có thẩm quyền xem xét. Trong đó, cần làm rõ lý do và nguyên nhân chậm tiến độ các dự án nguồn điện, đề xuất và kiến nghị các giải pháp giải để các cấp có thẩm quyền xử lý dứt điểm.
Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện Đề án thí điểm điện gió ngoài khơi, trong đó đề xuất giải pháp tới các cấp có thẩm quyền để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc pháp lý nhằm triển khai các điện gió ngoài khơi.
Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu kinh nghiệm phát triển điện hạt nhân của các nước trên thế giới để đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét phát triển tại Việt Nam trong thời gian tới, nhằm bổ sung điện nền, giảm thiểu rủi ro thấp nhất về môi trường.
Rà soát các vướng mắc của pháp luật liên quan trong việc phát triển các dự án điện để nghiên cứu, đề xuất, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp nội dung vào dự án một luật sửa nhiều luật như Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Luật Biển Việt Nam, Luật Xây dựng.
Cục Điều tiết điện lực tập trung cao độ, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, nhất là Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, rà soát vướng mắc pháp lý trong triển khai dự án điện, khẩn trương hoàn thiện dự án Luật Điện lực (sửa đổi) theo hướng những nội dung đã rõ, đã được thực tiễn chứng minh là đúng, có hiệu quả từ Luật Điện lực trước đây cũng như đã được quy định tại các nghị định, thông tư, cần nghiên cứu để bổ sung, sửa đổi, cập nhật trong dự thảo Luật lần này. Những nội dung chưa rõ, còn nhiều biến số thì nghiên cứu theo hướng quy định các nguyên tắc trong luật và giao Chính phủ quy định cụ thể như vấn đề giá cả, tiêu chuẩn kỹ thuật...
Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững tăng cường công tác truyền thông để tạo sự đồng thuận của xã hội trong việc chung tay thực hiện các hoạt động sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để yêu cầu các cơ sở sử dụng điện lớn trên toàn quốc quán triệt theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 8/6/2023 về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025.