Khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Ủy ban có hai nội dung cần thẩm tra để trình Quốc hội cho ý kiến gồm: các cơ chế, chính sách đặc thù xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 174/2024/QH15, trong đó có nội dung về tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Thực hiện kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban. Ban chỉ đạo thống nhất đưa dự án vào vận hành trong năm 2030 để bảo đảm an ninh cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
![](/userfile/User/dohuong/images/2025/2/12/dien-hat-nhan-20250213091744890.jpg)
Toàn cảnh phiên họp
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy chia sẻ, theo tờ trình của Chính phủ, để đạt được mục tiêu đưa dự án vào vận hành trong năm 2030, trước mắt triển khai đồng thời, song song các giai đoạn trong công tác chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án. Chính phủ nhận thấy, cần phải có các cơ chế, chính sách đặc thù cho dự án này.
Nhằm phục vụ công tác thẩm tra, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường khẩn trương phối hợp với Bộ Công Thương cùng các Bộ, ngành, cơ quan liên quan để hoàn thiện hồ sơ và những tài liệu liên quan. Nội dung này cũng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 42.
Ông Lê Quang Huy đề nghị các đại biểu tham dự phiên họp tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến để góp phần có thêm cơ sở, thông tin cũng như các chất liệu để hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật.
Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long đã trình bày Tờ trình của Chính phủ về các cơ chế, chính sách đặc thù xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Sau đó, các đại biểu đã cho ý kiến về một số nội dung trọng tâm như: sự cần thiết ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù; cơ sở, thời điểm đề nghị thông qua; phạm vi chính sách và đối tượng áp dụng; lựa chọn nhà thầu; trình tự, thủ tục thực hiện, định mức, đơn giá đấu thầu; vấn đề bảo vệ môi trường...
Cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, Thường trực Ủy ban Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết: Hồ sơ dự thảo nghị quyết cơ bản đáp ứng yêu cầu theo pháp luật về đầu tư để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, cho ý kiến để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Chính phủ cập nhật bổ sung hoàn thiện thêm các thông tin về việc chuẩn bị dự án để thấy rõ sự cần thiết của các chính sách đề xuất trong hồ sơ.
Về đối tác thực hiện, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, Việt Nam đã ký Hiệp định liên Chính phủ trong quá trình triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận giai đoạn trước đây. Do vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng trong việc lựa chọn các đối tác, công nghệ, bảo đảm phù hợp với các hiệp định đã ký kết, công ước và điều ước quốc tế có liên quan, bảo đảm lợi ích quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh, độc lập, chủ quyền của quốc gia.
Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, việc áp dụng chỉ định thầu gói thầu chìa khóa trao tay là hợp lý để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Theo đó, đề nghị cần có quy định rõ ràng về điều kiện áp dụng, tiêu chí lựa chọn nhà thầu, bổ sung cơ chế kiểm soát chặt chẽ các điều khoản hợp đồng, đặc biệt là cam kết về công nghệ, bảo trì và chuyển giao công nghệ sau khi hoàn thành dự án…
Liên quan đến mục tiêu đưa dự án vào vận hành trong năm 2030, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng để bảo đảm mục tiêu hoàn thành dự án theo đề xuất của Chính phủ. Bên cạnh đó, Chính phủ và tỉnh Ninh Thuận cần cam kết trách nhiệm tổ chức thực hiện bảo đảm hiệu quả, tiến độ, chất lượng cho dự án.