Năng lượng tái tạo

Đề xuất kế hoạch hành động tái chế chất thải tấm quang năng

Thứ tư, 26/4/2023 | 08:42 GMT+7
Tổ chức GIZ đã phối hợp với các chuyên gia tư vấn thực hiện nghiên cứu “Phân tích khung chính sách và đề xuất kế hoạch hành động tái chế chất thải tấm quang năng tại Việt Nam” trong khuôn khổ dự án “Điện mặt trời mái nhà trong ngành thương mại và công nghiệp” (CIRTS).

Dự án CIRTS do GIZ và Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo/Bộ Công Thương cùng thực hiện; được Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển CHLB Đức (BMZ) tài trợ.

Nghiên cứu đã trình bày về các thông lệ quốc tế (cụ thể là châu Âu) trong quản lý chất thải tấm quang năng, đánh giá khung pháp lý đối với các dự báo dòng chất thải mô-đun quang năng tại Việt Nam, cũng như phân tích và đề xuất các khuyến nghị về khung pháp lý của Việt Nam.

Cụ thể, nghiên cứu đã đưa ra 16 khuyến nghị xác định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) đối với mô-đun quang năng và 12 khuyến nghị để cải thiện quy định EPR ở Việt Nam.

Tái chế chất thải tấm quang năng nhằm góp phần bảo vệ môi trường

Theo nghiên cứu, trong những năm gần đây, công suất điện mặt trời tại Việt Nam đã chiếm một tỷ lệ khá cao trong tổng công suất đặt của toàn bộ hệ thống. Tính đến cuối năm 2021, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời trên cả nước đạt 16,6 GW. Dự kiến trong thời gian tới, điện mặt trời sẽ tiếp tục phát triển (nhưng với tốc độ chậm hơn) nhằm góp phần giúp Việt Nam đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra lúc này là cần chuẩn bị và xây dựng các giải pháp để đáp ứng các yêu cầu quản lý chất thải liên quan đến các nhà máy/hệ thống điện mặt trời, cụ thể là các mô-đun quang năng. Việt Nam đã thực hiện một bước tiến quan trọng trong việc giải quyết vấn đề này với việc thông qua Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi (có hiệu lực vào tháng 1 năm 2022), trong đó quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) đối với các mô-đun quang năng.

Do vậy, các khuyến nghị trong nghiên cứu sẽ là cơ sở để tham vấn rộng rãi với các bên liên quan và hỗ trợ Chính phủ Việt Nam tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý.

Một số khuyến nghị đáng chú ý là thiết lập các mục tiêu xử lý chất thải rõ ràng, thực tế và phù hợp. Nhóm tác giả khuyến nghị thiết lập mục tiêu thu hồi chất thải xuyên suốt hai giai đoạn: giai đoạn 2025 – 2050 và giai đoạn sau 2050. Lý do là vì việc phát triển các phương án xử lý chất thải ở Việt Nam sẽ chậm hơn so với tốc độ phát triển điện mặt trời và tới cuối vòng đời của mô-đun quang năng mới phát sinh các dòng chất thải đủ lớn. Tuy nhiên, khi xây dựng được nhà máy xử lý chất thải sẽ mở ra tiềm năng thiết lập các mục tiêu xử lý chất thải tham vọng hơn cho Việt Nam cho giai đoạn từ năm 2050 về sau.

Nghiên cứu cho rằng chìa khóa thành công của mọi chương trình EPR nằm ở nhận thức và hiểu biết của người tiêu dùng về các mục tiêu của chương trình và vai trò của họ trong việc đạt được mục tiêu đó. Thường xuyên trao đổi và cung cấp thông tin tới người tiêu dùng về tác động tích cực từ EPR đối với tính bền vững của ngành điện mặt trời là một biện pháp giúp nâng cao nhận thức về môi trường. Việc mô tả chi tiết các hành động nên thực hiện cũng như các giải pháp thuận tiện như sử dụng xe bán tải thu gom bên lề đường và các điểm tái chế mô-đun quang năng dễ tiếp cận sẽ giúp nâng cao ý thức tham gia của người tiêu dùng.

Theo nghiên cứu, một phần không thể thiếu trong tất cả các chương trình EPR là tái sử dụng các vật liệu đã qua xử lý. Các chương trình R&D phù hợp với trọng tâm hướng tới thiết kế sản phẩm và thay thế vật liệu có thể giúp nâng cao tính bền vững của ngành điện mặt trời một cách an toàn. Chính phủ Việt Nam nên xem xét đầu tư cho các chương trình R&D của lĩnh vực điện mặt trời và của các viện nghiên cứu có liên quan tập trung vào nội dung này.

Cẩm Hạnh