Năng lượng tái tạo

Chia sẻ giải pháp công nghệ và tài chính cho các dự án đốt rác phát điện

Thứ tư, 12/4/2023 | 10:14 GMT+7
Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM vừa phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Hội thảo về công nghệ và tài chính cho các dự án điện đốt rác tại TPHCM.

Chia sẻ tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, hiện nay, trên địa bàn thành phố phát sinh bình quân mỗi ngày từ 10.000 tấn đến 10.500 tấn rác sinh hoạt. Trong đó, lượng rác được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh hiện nay vẫn còn khá cao, lên đến 69%. Đây là một trong những nguồn gây phát thải khí nhà kính đáng kể trên địa bàn thành phố do quá trình phân hủy kỵ khí thành phần hữu cơ trong rác tại các bãi chôn lấp.

Nhằm đảm bảo các vấn đề về môi trường, tận dụng nguồn năng lượng trong rác thải sinh hoạt cũng như đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính quốc gia, mục tiêu của TPHCM đến năm 2025, ít nhất 80% và đến năm 2030 đạt 100% lượng rác phải xử lý bằng công nghệ mới hiện đại là đốt rác phát điện và tái chế.

TPHCM đang triển khai quyết liệt 2 nhóm giải pháp là chuyển đổi công nghệ xử lý rác tại các nhà máy hiện hữu sang đốt phát điện và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án xử lý rác mới theo phương thức đối tác công - tư (PPP).

Cần cụ thể hóa cơ chế chính sách để phát triển công nghệ điện rác

Tính đến nay, trên địa bàn TPHCM có 5 dự án chuyển đổi công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt (đốt rác phát điện). Nhưng các dự án này hiện vẫn chưa đi vào hoạt động do gặp một số vướng mắc về chính sách, thủ tục pháp lý…

Các chuyên gia tại hội thảo kiến nghị cần cụ thể hóa cơ chế chính sách để phát triển công nghệ điện rác như: quy hoạch, đầu tư; giá mua điện; tiêu chuẩn thẩm định kỹ thuật; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn; phân loại chất thải rắn. Đồng thời sớm phê duyệt Quy hoạch điện VIII và lập quy hoạch phát triển điện rác theo Quyết định 31/2014/QĐ-TTg. Sửa đổi các văn bản pháp luật, các quy trình, thủ tục còn vướng mắc giữa những quy định hiện hành cũng như hình thành các nguồn vốn vay hỗ trợ trực tiếp đầu tư cho điện rác…

Theo đại diện USAID tại Việt Nam, tài chính xanh, cụ thể hơn là trái phiếu xanh là công cụ phù hợp tài trợ tài chính cho các dự án điện rác. Tuy nhiên, nguồn vốn cung cấp cho các dự án trong nước còn eo hẹp, cần thu hút thêm nguồn từ các tổ chức quốc tế để đảm bảo đáp ứng cho dự án quy mô lớn. Các nhà đầu tư cần phải cải thiện năng lực, đáp được tiêu chuẩn của các tổ chức quốc tế để huy động được nguồn vốn dồi dào với mức chi phí hấp dẫn. Đồng thời, các chính sách điều hành từ chính phủ cần được nhanh chóng ban hành và đưa vào thực thi để nắm bắt cơ hội.

Tùng Lâm (t/h)