Năng lượng tái tạo

Đề xuất phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam từ Thỏa thuận xanh EU

Chủ nhật, 24/4/2022 | 09:41 GMT+7
Mới đây, trong khuôn khổ hội thảo “Thỏa thuận xanh liên minh châu Âu (EU) có thể xây dựng động lực cho chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam hay không?”, các chuyên gia đã đưa ra đề xuất cho việc phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, ông Sven Ernedal, cố vấn trưởng về kỹ thuật kiêm điều phối viên quốc tế, Ban Thư ký nhóm đối tác năng lượng, dự án Năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng (4E), Chương trình Hỗ trợ năng lượng (GIZ) cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu giảm dần sử dụng than vào những năm 2040 và đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Tuyên bố này có nhiều tác động đến chiến lược phát triển năng lượng của Việt Nam.

Việt Nam đang từng bước nỗ lực thúc đẩy phát triển điện gió ngoài khơi, dự kiến tập trung đầu tư và phát triển hơn nữa trong những năm tới; chú trọng đến yêu cầu ngày càng tăng về lưu trữ; tiếp tục nỗ lực thúc đẩy sử dụng hiệu quả năng lượng và điều chỉnh phụ tải.

Theo dự báo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nhu cầu về điện sau đại dịch đang tăng trở lại, dự kiến tăng trưởng 8 - 12% trong năm 2022. Đặc biệt, khu vực miền Bắc dự kiến bị thiếu hụt khoảng 1.500 - 2.400 MW điện vào các giờ cao điểm trong năm 2022.

Các chuyên gia đề xuất ý kiến cho phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam tại hội thảo “Thỏa thuận xanh liên minh châu Âu (EU) có thể xây dựng động lực cho chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam hay không?"

Theo đó, đại diện GIZ đề xuất, EVN có thể triển khai 4.000MW điện gió và 1.500MW điện mặt trời cho miền Bắc Việt Nam; khuyến khích tự tiêu thụ điện mặt trời; xây dựng các hệ thống ắc quy lưu trữ năng lượng ở miền Bắc; mở rộng đối tượng khách hàng tham gia điều chỉnh phụ tải ở miền Bắc, đặc biệt là giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 7.

Ông Sven Ernedal nhấn mạnh: Tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng là rất quan trọng để đạt được các mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Đây cũng là là biện pháp nhanh nhất, rẻ nhất và sạch nhất để đạt được các mục tiêu khí hậu và cải thiện độ tin cậy của quốc gia. Do đó, cần có nhiều nỗ lực hơn nữa tại Việt Nam để đẩy mạnh đầu tư vào hiệu quả năng lượng như: các công ty dịch vụ năng lượng (ESCOs), các tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng, quy chuẩn xây dựng, cải tạo và nâng cấp các tòa nhà, nhất là trong việc làm lạnh hiệu quả.

Theo bà Nguyễn Phương Mai, Phó Chánh văn phòng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 không phải là khoảng thời gian dài. Hy vọng EU hỗ trợ cho Việt Nam về nguồn lực như các dự án về tăng trưởng xanh để Việt Nam đạt được mục tiêu trên, đặc biệt trong việc sử dụng hiệu quả năng lượng.

Với thỏa thuận xanh EU, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo có thể sử dụng như tài liệu tham khảo hữu hiệu, từ đó xây dựng tốt hơn các cơ chế chính sách phù hợp hơn, tạo điều kiện tốt hơn cho phát triển năng lượng tái tạo. Đây cũng sẽ là nguồn bổ sung cho nhiều công tác mà Cục đang làm với EU. Thỏa thuận xanh là cơ chế không chỉ áp dụng với Việt Nam mà còn áp dụng cho các đối tác khác trong hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam để tạo ra một hành lang pháp lí tốt.

Bên cạnh đó, Thỏa thuận xanh EU cũng là tiền đề cho Việt Nam làm một dự án thí điểm về cơ chế, công nghệ mới trong phát triển năng lượng tái tạo, từ đó đẩy nhanh quá trình thương mại hóa nguồn năng lượng mới.

Ông Rui Ludovino, Tham tán thứ nhất về hành động biến đổi khí hậu, chính sách môi trường việc làm và xã hội, EU tại Việt Nam đánh giá: Việt Nam cần có quy hoạch dài hạn để đạt được mục tiêu trên. Ở Việt Nam hiện đang xây dựng Quy hoạch điện 8, đã có Chiến lược tăng trưởng xanh, Chiến lược năng lượng quốc gia; chiến lược quốc gia về năng lượng tái tạo vì vậy cần phối hợp và kết hợp hài hòa với các bên liên quan, các dự án để phát triển.

Thanh Tâm