Năng lượng phát triển

Đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về hệ thống thông tin năng lượng

Thứ tư, 23/10/2024 | 10:01 GMT+7
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 34/2019/TT-BCT ngày 28/11/2019 quy định về hệ thống thông tin năng lượng.

Ngày 29/3/2011, Chính phủ ban hành nghị định số 21/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; ngày 2/10/2020, Chính phủ ban hành nghị quyết số 140/NQ-CP về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định 893/QĐ-TTg ngày 26/7/2023 phê duyệt Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Để thể chế hóa các cơ chế, chính sách về năng lượng, Bộ Công Thương đã ban hành thông tư số 34/2019/TT-BCT ngày 28/11/2019 quy định về hệ thống thông tin năng lượng. Trong quá trình thực hiện, đã có những hạn chế trong hoạt động thiết lập, quản lý, vận hành hệ thống thông tin năng lượng và tổ chức xây dựng, khai thác cơ sở dữ liệu năng lượng. Vì vậy, Bộ Công Thương xây dựng dự thảo thông tư sửa đổi thông tin để cho phù hợp với quy định pháp luật về thống kê, pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Ảnh minh họa

Việc xây dựng thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 34/2019/TT-BCT nhằm:

Hoàn thiện việc thể chế hóa các chính sách phát triển hệ thống thông tin năng lượng tại các nghị quyết của Đảng, quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện các quy định Luật, nghị định về hệ thống thông tin năng lượng đảm bảo không có khoảng trống pháp lý, các quy định không chồng chéo, mâu thuẫn với các quy định pháp luật liên quan.

Góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quản quản lý, giám sát tình hình phát triển năng lượng; hỗ trợ công tác dự báo phát triển năng lượng trong tương lai; hỗ trợ công tác xây dựng cơ chế, chính sách phát triển năng lượng tổng thể và dài hạn, hướng tới phát triển năng lượng xanh, sạch và bền vững.

Bên cạnh đó, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực năng lượng nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước; kết nối, liên thông, đồng bộ giữa các cơ quan thuộc Chính phủ, Bộ Công Thương, các doanh nghiệp hoạt động về năng lượng.

Đình Tú