Bản tin môi trường số 24/2021

Thứ hai, 6/12/2021 | 14:26 GMT+7
Trong khuôn khổ Quan hệ đối tác quản lý môi trường các vùng biển Đông Á (PEMSEA), vấn đề phát triển bền vững khu vực đại dương đã được đưa ra thảo luận tại Đại hội biển Đông Á (EASC) lần thứ 7.

Phát triển bền vững khu vực biển Đông Á

Tại phiên làm việc, trưởng đoàn từng quốc gia thành viên của PEMSEA đều có bài phát biểu ngắn, thông qua và cùng ký bản tuyên bố chung theo hình thức trực tuyến. Cụ thể, bản tuyên bố của các quốc gia thành viên đều xem xét tiến độ và mở rộng phạm vi trong thực hiện Chiến lược phát triển bền vững các biển Đông Á (SDS-SEA), lập kế hoạch hành động của mỗi quốc gia trong thập kỷ mới để đạt được tầm nhìn về các đại dương, con người và nền kinh tế lành mạnh; hưởng ứng lời kêu gọi toàn cầu về chiến lược phục hồi xanh sau đại dịch Covid-19.

Việt Nam đã thực hiện thành công Chiến lược phát triển bền vững vùng biển Đông Á

Trong đó, đại diện đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, Việt Nam đã thực hiện thành công Chiến lược phát triển bền vững các biển Đông Á. Có thể kể đến như đã nhân rộng quản lý tổng hợp vùng bờ tại các địa phương ven biển; ban hành và thực hiện Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; ban hành Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; xây dựng và công bố Báo cáo quốc gia về hiện trạng biển và vùng bờ; hướng tới nền kinh tế biển xanh 2018; hoàn thành Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia, giai đoạn 2016 - 2020; thành lập cơ chế điều phối đa quốc gia và địa phương. 

Nhân dịp tham gia Đại hội, Việt Nam mong muốn được hợp tác với tất cả các nước trong khu vực để cùng nhau hành động, chia sẻ các kinh nghiệm, thực tiễn tốt nhằm hướng tới mục tiêu chung là phát triển bền vững khu vực các biển Đông Á.

Tại buổi làm việc, Tuyên bố cấp Bộ trưởng EASC lần thứ 7 đã được công bố, trong đó nêu rõ 7 cam kết cụ thể về phát triển bền vững khu vực các biển Đông Á.

Quản lý nguồn nước tại lưu vực sông Mê Kông

Mới đây, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Việt Nam đã chủ trì hội thảo chia sẻ kinh nghiệm Kiểm toán hợp tác về công tác quản lý nguồn nước tại lưu vực sông Mê Kông, trong đó tập trung vào công tác quản lý nguồn nước gắn với các mục tiêu phát triển bền vững trên khu vực sông ở Việt Nam, Thái Lan, Myanmar.

Theo báo cáo tóm tắt kết quả kiểm toán của KTNN Việt Nam, Thái Lan và Myanmar, Chính phủ các nước đã có sự quan tâm, chú trọng và đưa ra nhiều nỗ lực, giải pháp trong công tác quản lý nguồn nước sông gắn với thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, tình trạng suy thoái nguồn nước sông Mê Kông kèm theo những ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, sinh kế, đời sống của người dân vẫn đang tiếp diễn tại cả 3 quốc gia.

Đặc biệt, tình trạng thiếu nước tại hai quốc gia Việt Nam, Thái Lan có xu hướng ngày càng gia tăng. Trên cơ sở phân tích các số liệu đo đạc, thống kê về mực nước, số lượng nước, phù sa trong giai đoạn 2011 - 2020, KTNN Việt Nam chỉ ra lượng nước từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về đồng bằng sông Cửu Long đang có chiều hướng suy giảm, số lượng nước năm 2020 thấp hơn 157 tỷ m3 so với cùng kỳ năm 2011; lượng phù sa, bùn cát về từ thượng nguồn năm 2020 cũng giảm 14 triệu tấn so với năm 2017.

Sông Mê Kông đoạn chảy qua Việt Nam

Đối với công tác quản lý tài nguyên nước gắn với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, các cơ quan KTNN cũng đã trình bày tại hội thảo. Trong đó, KTNN Myanmar đã nêu Hướng dẫn phát thải chất lượng môi trường của Bộ Tài nguyên và Bảo tồn môi trường nước này; còn KTNN Thái Lan và Việt Nam đã đánh giá những bất cập trong công tác quản lý tài nguyên nước, qua đó đưa ra các cảnh báo về nguy cơ, rủi ro và hệ quả của tình trạng suy thoái tài nguyên nước sông Mê Kông, từ đó có những kiến nghị và giải pháp hữu ích, có tính khả thi cao, gắn với thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của từng quốc gia nói riêng và toàn thể cộng đồng lưu vực sông Mê Kông nói chung.

Nền nhiệt nhiều nơi vẫn tăng bất chấp La Nina

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) mới đây đã cảnh báo nhiệt độ tại nhiều khu vực trên toàn cầu sẽ cao hơn mức trung bình trong những tháng tới, bất chấp tác động làm mát của hiện tượng thời tiết La Nina.

Cụ thể, các nhà khoa học nhận định, năm 2021 là quãng dừng ngắn ngủi trong quá trình tăng nền nhiệt độ chung của trái đất nhờ La Nina nhưng sẽ không đảo ngược xu hướng ấm lên toàn cầu trong dài hạn hay giảm bớt tính cấp thiết của hành động khí hậu.

Hiện tượng La Nina giúp làm mát và tăng lượng mưa ở nhiều khu vực

Theo đó, có 90% khả năng nhiệt độ bề mặt nước biển vùng nhiệt đới Thái Bình Dương sẽ chịu ảnh hưởng của La Nina đến cuối năm 2021 và 70 - 80% khả năng mức nhiệt này duy trì được đến quý I/2022. Do đó, các khu vực Đông Nam châu Á, các khu vực phía Bắc của Nam Mỹ sẽ đón nhận thời tiết ẩm ướt bất thường, trong khi vùng dưới xích đạo của Nam Mỹ, các khu vực Nam Á và Trung Đông sẽ chứng kiến tình trạng khô hạn bất thường.

Tuy nhiên, sẽ có nhiều khu vực đất liền vẫn được dự báo có mức nhiệt trên trung bình, theo đó mùa đông ở các khu vực này sẽ ấm bất thường, có thể kể đến các khu vực có nền nhiệt tăng như: miền Bắc và các khu vực Đông Bắc của châu Á; Bắc Cực; các khu vực miền Đông, Đông Nam của Bắc Mỹ; phần lớn châu Âu và các khu vực Đông Bắc của châu Á. Dự báo xu hướng tương tự cũng sẽ xảy ra gần các quốc gia châu Phi ở xích đạo, bao gồm cả Madagascar, nơi hạn hán đang hoành hành.

Mỹ Dung