Duy trì văn hóa Việt trong xây dựng đô thị thông minh, bền vững

Thứ ba, 26/5/2020 | 15:40 GMT+7
Dù thời đại có thay đổi, các tiêu chuẩn cho nơi ở khác trước thì bên trong một không gian sống hiện đại, văn minh, bền vững vẫn ưu tiên trước nhất là cảm giác an nhiên, được sống trong sự thanh thản, bình yên.

Duy trì văn hóa Việt trong thời đại mới

Song hành với sự phát triển của đất nước và xã hội Việt Nam, những khu đô thị, khu chung cư văn minh, hiện đại đang hình thành lên ở các thành phố lớn. Nhu cầu về việc tạo lập những giá trị sống mới với những tiêu chuẩn về vật chất và tinh thần ngày một cao.

Tại tọa đàm Không gian sống trong đô thị hiện đại, nhà văn Nguyễn Quang Thiều chia sẻ, xây dựng đô thị hiện đại ở nước ngoài cần dựa vào văn hóa và tôn giáo. Ở Việt Nam thì cân nhắc đến hòa đồng với thiên nhiên và giao tiếp cộng đồng. Tuy nhiên, dù xây dựng bất kỳ thứ gì hiện đại thì cũng phải dựa trên nền tảng văn hóa, truyền thống, phong thủy cũng như tâm linh của người Việt.

Sự giao kết giữa hàng xóm, dòng họ cộng với sự cởi mở của người Việt Nam với thiên nhiên, với cộng đồng rất rộng lớn. Đó là yếu tố khác biệt giữa đô thị Việt Nam với đô thị hiện đại của nước ngoài. Ở Việt Nam, có những văn hoá đặc biệt riêng như đi lễ, đi chùa, có gian nhà bàn thờ tổ tiên.

Văn hóa thờ cúng tổ tiên vẫn luôn xuất hiện trong những căn hộ hiện đại

Đi vào các chung cư hiện nay có thể thấy họ cũng đang sinh hoạt như vậy. Dù bị ngăn tách thành từng hộ riêng lẻ, không gian chật hẹp nhưng sự kết nối hoà quyền giữa con người, cộng đồng và thiên nhiên vẫn tồn tại qua nhiều thế hệ. Có thể nói, giá trị văn hóa luôn bất biến dù thời đại không ngừng thay đổi. Do vậy, cần thiết phải duy trì được nét văn hóa Việt trong phát triển đô thị bền vững, thông minh trong thời đại mới.

Ở Việt Nam và trên thế giới, đô thị bền vững là xây dựng không gian quần thể làm sao để hài hòa thiên nhiên, hướng đến tương lai mà không ảnh hưởng đến không gian xung quanh. Xây dựng khu đô thị bền vững cần đạt nhiều tiêu chí như giảm 20% mức tiêu thụ năng lượng, đưa ra những phương hướng sử dụng năng lượng hiệu quả và có các chính sách để tái sử dụng năng lượng…

Hướng nhìn mới về phong thủy trong đô thị

Cũng trong buổi tọa đàm, PGS.TS. KTS. Hoàng Mạnh Nguyên nói, phong thủy thực chất là sống xanh, dựa vào phong thủy, chúng ta chọn nơi để xây dựng nhà, chọn hướng làm cửa… tất cả đều để tạo môi trường sống hài hòa thiên nhiên, thuận tiện nhất cho mỗi cư dân sống trong đó.

Chủ đầu tư từ lâu đã xác định phong thủy là một phần rất quan trọng trong đầu tư bất động sản

Phong thủy trước đây được biết nhiều như một cách tìm hiểu phương hướng tốt, lựa chọn địa hình tự nhiên thuận lợi phù hợp với gia chủ. Nhưng với thời đại hiện đại hóa, dân cư đông đúc, nhiều khu đô thị mới mọc lên thì vấn đề lựa chọn hướng nhà không còn quá cứng nhắc nữa. Ngày nay, người dân sống trong những khu chung cư không thể quyết định hướng nhà, hướng cửa nhưng họ hoàn toàn có thể tạo ra yếu tố phong thủy như sắp đặt vị trí cây xanh, hồ nước trong nhà… bởi những yếu tố này cũng thuộc phong thủy.

Ông Nguyên nói: “Tiện nghi, dịch vụ hiện đại, tiên tiến đã rất quan trọng rồi, nhưng quan trọng nhất là con người sống trong đó phải thanh thản, thoải mái, an yên. Bình thường cuộc sống không có vấn đề gì thì không sao, nhưng khi có vấn đề xảy ra họ lại nghĩ về phong thủy. Vì thế chủ đầu tư cân nhắc đến yếu tố đó từ đầu thì sẽ hoàn thiện hơn nữa yếu tố an cư cho người dân”.

Có thể nói, tạo ra không gian sống để mọi cư dân đều cảm thấy hài lòng vẫn là rào cản lớn đối với mỗi chủ đầu tư, đặc biệt là không gian sống tại các chung cư cho giới trẻ. Người trẻ có nhu cầu giao lưu cao hơn do đó nhà đầu tư phải tạo ra các không gian chung phù hợp, đồng thời phải đặc biệt lưu tâm đến vị trí liên kết thuận lợi với nhiều công trình tiện ích bổ sung khác. Như vậy, yêu tố phong thủy không chỉ ở việc thiết kế không gian đem lại sự thoải mái cho cư dân mà còn dựa vào vị trí liên kết với các công trình cơ sở hạ tầng khác. Có thể nói, phong thủy luôn có mối liên quan mật thiết với văn hóa, cũng như việc xây dựng đô thị thông minh, bền vững không thể tách rời yếu tố văn hóa tâm linh. 
 

Ngân Hoa