Nông nghiệp sạch

FAO hỗ trợ, hợp tác phát triển bền vững ngành chăn nuôi Việt Nam

Thứ năm, 22/6/2023 | 17:04 GMT+7
Ngày 22/6, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cùng lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ đã làm việc với đoàn lãnh đạo cấp cao của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO).

Phát biểu tại buổi làm việc, Giám đốc Ban Chăn nuôi và Thú y FAO Thanawat Tiensin đánh giá cao sự phát triển cũng như kinh nghiệm của Việt Nam trong lĩnh vực chăn nuôi và kiểm soát dịch bệnh. Đồng thời nhận định Việt Nam là tấm gương tiêu biểu trong việc chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm thời gian qua.

Đoàn công tác của FAO bày tỏ mong muốn thúc đẩy đầu tư và hợp tác phát triển trong lĩnh vực chăn nuôi. Phía FAO cho biết, bên cạnh nguồn vốn, những dự án hợp tác còn giúp Việt Nam hưởng lợi từ kinh nghiệm và công nghệ.

Theo ông Thanawat Tiensin, xu hướng chăn nuôi tại châu Âu đang trên đà giảm, trong khi châu Á, châu Phi duy trì được đà tăng trưởng. Dự báo, sản lượng chăn nuôi ở khu vực này sẽ tăng 20% trong thời gian tới. Do đó, để đánh thức tiềm năng ngành chăn nuôi của châu Á, châu Phi, bao gồm Việt Nam, Ban Chăn nuôi và Thú y FAO phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với đầu mối là Cục Thú y tổ chức Hội nghị tư vấn quốc tế hỗ trợ triển khai Đề án ngành thú y vào ngày 23/6. Việc tổ chức hội nghị góp phần mở ra không gian phát triển mới giữa hai bên, nhất là trong vấn đề chuyển đổi, phát triển bền vững ngành chăn nuôi. 

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với đoàn lãnh đạo cấp cao của FAO

Ngoài ra, Giám đốc Ban Chăn nuôi và Thú y FAO cũng chia sẻ một số sáng kiến, cách tiếp cận mới của FAO trong hợp tác Nam - Nam. Theo đó, vào đầu tháng 6/2023, FAO và Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác phát triển sản xuất lúa gạo ở Sierra Leone. Dự án có ngân sách ước tính 5 triệu USD, được thực hiện thông qua Quỹ ủy thác đơn phương (UTF) từ quốc gia châu Phi.

Trong thời gian 4 năm thực hiện dự án, Việt Nam sẽ cung cấp kiến thức chuyên môn về phát triển chuỗi giá trị lúa gạo cho Sierra Leone. Các chuyên gia và kỹ thuật viên chuyên ngành lúa gạo, thủy lợi, giống, cơ giới hóa và quản lý sau thu hoạch sẽ được triển khai đến nhiều địa điểm, bao gồm cả các trạm nghiên cứu. Đặc biệt, các sáng kiến xây dựng năng lực như tham quan học tập, đào tạo thực địa và đào tạo giảng viên sẽ được Việt Nam triển khai để trao quyền cho các bên liên quan tại địa phương.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, cùng với định hướng tái cơ cấu ngành chăn nuôi, Việt Nam chủ trương chuyển dịch từ chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ sang quy mô trang trại lớn, đồng thời mở cửa cho các doanh nghiệp nước ngoài để kiến tạo động lực phát triển mới cho chăn nuôi.

Thứ trưởng chia sẻ, ngày 28/3/2023, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ban hành Quyết định số 300/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030.

Với thế mạnh là lương thực và thực phẩm, mong rằng FAO có thể hỗ trợ, tiếp tục hợp tác, tăng cường thảo luận, trao đổi cấp kỹ thuật, đề ra kế hoạch hành động nhằm kêu gọi nguồn lực triển khai kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030.

Kết thúc buổi làm việc, đại diện FAO trân trọng mời lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tham dự Hội nghị Toàn cầu về chuyển đổi chăn nuôi bền vững, dự kiến tổ chức tại trụ sở chính của FAO (Rome, Italia) vào ngày 25 - 27/9 sắp tới.

Kim Bảo (T/H)