GEF6 - Nền công nghiệp sạch cho tất cả các quốc gia

Thứ sáu, 29/6/2018 | 13:14 GMT+7
Ngày 28/6, kỳ họp lần thứ 6 Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF6), tiếp tục diễn ra tại Cung hội nghị Ariyana - Furama Resort Đà Nẵng với nhiều phát biểu quan trọng của lãnh đạo các tập đoàn, tổ chức quốc tế mà đích đến là giảm thiểu ô nhiễm, xây dựng nền công nghiệp sạch cho tất cả các quốc gia, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học.

Chia sẻ với hơn 1.500 đại biểu đến từ 183 quốc gia thành viên Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), ông Li Yong, Tổng Giám đốc Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc - UNIDO, cho biết: Hiện UNIDO đang thực hiện hơn 200 dự án (DA) tại gần 80 nước trên thế giới, giải quyết các vấn đề cơ bản của GEF bằng cách sử dụng sức mạnh công nghiệp để hỗ trợ các nước thành viên và GEF đạt được tác động bền vững. 

Tổng kinh phí  các dự án của UNIDO hiện nay là 686 triệu USD từ nguồn tài trợ của GEF và hỗ trợ từ khu vực công và tư. Phần lớn các DA được UNIDO triển khai tại gần 100 quốc gia trên thế giới liên quan đến các lĩnh vực hóa học và chất thải, tập trung nhiều nhất ở các quốc gia kém phát triển và ở các quốc đảo đang phát triển…  

Ông Li Yon dẫn chứng, Chương trình Sáng tạo Công nghệ sạch toàn cầu đang hỗ trợ hơn 800 công ty khởi nghiệp, thúc đẩy các giải pháp phù hợp cả về ngân sách và quy mô sẽ giúp các nước đạt được nền kinh tế sạch hơn và thích ứng hơn.

Hướng tới phát triển đô thị bền vững, UNIDO sẽ tiếp tục hỗ trợ các nước đạt được cộng sinh công nghiệp và đô thị. Biến các thành phố thành những trung tâm sáng tạo và phát triển với lượng phát thải khí cardon thấp. 

hủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Li Yong, Tổng Giám đốc Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc – UNIDO bên lề GEF6. Ảnh: Thanh Tùng

Thúc đẩy việc chuyển đổi hướng tới kinh tế tuần hoàn với việc chuyển đổi cách thức vận hành của ngành sản xuất. 

“Chúng tôi sẽ thúc đẩy việc sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả và sản xuất sạch hơn, áp dụng mô hình khu công nghiệp sinh thái và hỗ trợ quản lý hóa chất và rác thải một cách bền vững” – Tổng giám đốc UNIDO nhấn mạnh. 

Trước đó, tại buổi tiếp ông Li Yong vào sáng 27/9;  Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc  đánh giá cao hỗ trợ của UNIDO về hiệu quả tư vấn chính sách, hiệu suất sử dụng năng lượng và xử lý chất thải, quản lý tài nguyên - môi trường; hỗ trợ Việt Nam xây dựng chiến lược công nghiệp mới, tiêu biểu là DA hỗ trợ xây dựng khu công nghiệp tại 5 TP lớn của Việt Nam. 

Thủ tướng khẳng định: Việt Nam sẵn sàng hợp tác với UNIDO trong triển khai chiến lược năng lượng xanh, hỗ trợ các DA hạ tầng công nghiệp kết nối ASEAN với các quốc gia khác. 

Việt Nam là địa điểm thuận lợi để thực hiện các DA về bảo vệ môi trường; sẵn sàng tham gia các DA toàn cầu, liên vùng, liên lĩnh vực; chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm xử lý vấn đề môi trường toàn cầu như rác thải nhựa đại dương, bảo tồn đa dạng sinh học.

Đề nghị WWF hỗ trợ bảo tồn động vật hoang dã

Trong khuôn khổ ngày làm việc thứ 2 GEF6, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường đã tiếp, chia sẻ thông tin với bà Maria Helena Semedo - Phó Tổng Giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), bà Albena RESHITAJ - Bộ trưởng Bộ Môi trường Cộng hòa Kosovo, ông Robert Carter - Giám đốc Điều hành Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) Hoa Kỳ kiêm Chủ tịch cơ quan thực hiện GEF của WWF quốc tế, bà Nezha ElUAFI - Bộ trưởng Bộ Môi trường Maroc.
 
Trao đổi với ông Robert Carter Giám đốc Điều hành Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) Hoa Kỳ kiêm Chủ tịch cơ quan thực hiện GEF của WWF quốc tế, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu ra thực tế nhiều loại động vật hoang dã ở Việt Nam bị đe dọa về sinh cảnh sống.

Một số loài động vật hoang dã trong đó có hổ Đông Dương không còn xuất hiện tại các cánh rừng Việt Nam. Bộ trưởng đề nghị WWF tiếp tục hỗ trợ về mặt kỹ thuật để hoàn thiện khung pháp lý bảo tồn động vạt hoang dã, trong đó có việc xây dựng mô hình chung sống hài hòa giữa con người với thiên nhiên hoang dã. 

Theo Đại đoàn kết