Nông nghiệp sạch

Gia Lai phát triển bền vững ngành hàng sắn

Thứ hai, 3/6/2024 | 14:56 GMT+7
Mới đây, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Kế hoạch số 1309/KH-UBND triển khai thực hiện đề án Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn.

Kế hoạch nhằm phát triển vùng nguyên liệu sắn trên địa bàn tỉnh Gia Lai theo hướng bền vững, từng bước khai thác, phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của từng vùng sinh thái; nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và thu nhập cho người trồng sắn. 

Đồng thời, đẩy mạnh liên kết tại các vùng nguyên liệu sắn; phát triển sản xuất sắn theo chuỗi giá trị, liên kết chặt chẽ trong sản xuất và tiêu thụ sắn trên cơ sở lấy doanh nghiệp làm trung tâm, hợp tác xã và tổ hợp tác là cầu nối giữa doanh nghiệp và hộ gia đình trồng sắn. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong quá trình sản xuất, chế biến sắn; thúc đẩy chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường; sử dụng tối đa các sản phẩm phụ trong quá trình sản xuất, chế biến sắn; đẩy mạnh việc thiết lập, xây dựng mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc; huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển sản xuất, chế biến và xuất khẩu sản phẩm sắn.

Phát triển sản xuất, chế biến và xuất khẩu bền vững sản phẩm sắn

Thông qua kế hoạch, UBND tỉnh Gia Lai đề ra mục tiêu phát triển ngành hàng sắn trên địa bàn ổn định, hiệu quả, bền vững; xây dựng liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo ra giá trị kinh tế cao, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống dân cư khu vực nông thôn; nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu và bảo vệ môi trường; thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế, ổn định xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, tỉnh Gia Lai yêu cầu các Sở, ban, ngành, địa phương phối hợp với ngành nông nghiệp để tăng cường vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo các cấp; khuyến khích sự tham gia của các tổ chức chính trị, xã hội nhằm tạo sự đồng thuận, quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân trong phát triển bền vững cây sắn, đảm bảo sản phẩm sắn có sức cạnh tranh cao, gia tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu. Sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống hiệu quả thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, đời sống dân cư nông thôn và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế, ổn định xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

Tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo, vận động, hướng dẫn người dân áp dụng các phương thức canh tác mới, hiệu quả đã được thực tiễn khẳng định để bảo vệ đất đai, chống xói mòn; chú trọng đầu tư thâm canh, phòng trừ sâu bệnh trên cây sắn; thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật thâm canh sắn bền vững; đẩy nhanh việc thay thế giống sắn đã bị thoái hóa, nhiễm bệnh bằng những giống sắn mới có năng suất, hàm lượng tinh bột cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh, đặc biệt là bệnh khảm lá virus hại sắn, bệnh chổi rồng, thối củ...

Thường xuyên cung cấp các thông tin chuyên ngành, phổ biến tiến bộ kỹ thuật trong canh tác sắn bền vững, các giống sắn mới có năng suất, chất lượng tinh bột cao, kháng sâu bệnh; các điển hình tiên tiến trong sản xuất sắn; giá cả các sản phẩm sắn trên thị trường... thông qua hệ thống truyền thông đại chúng hoặc lồng ghép chuyên đề trong các hội nghị, hội thảo, họp thôn, sinh hoạt cộng đồng và thông qua kênh thông tin của các tổ chức chính trị - xã hội cho người sản xuất.

Mộc Trà