Theo đó, kế hoạch nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn để nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triền tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Với mục tiêu đó, UBND thành phố Cần Thơ yêu cầu các ban ngành, địa phương tổ chức tốt công tác tuyên truyền, đào tạo nhân lực. Trong đó, phối hợp với các cơ quan, viện, trường và các don vị có liên quan ban hành tài liệu hướng dẫn; tập huấn, đào tạo cán bộ thực hiện Chương trình OCOP các cấp, cá nhân tham gia chu trình OCOP. Tổ chức các lớp đào tạo nhân lực cho Chương trình OCOP (cán bộ tham gia quản lý, điều hành; các chủ thể sản xuất, lao động tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất...) bao gồm 4 lớp/quận, huyện; 1 lớp thành phố với nội dung được ban hành tại Quyết định số 148/QĐ-TTg và các nội dung cần thiết khác.
Cần Thơ phát triển Chương trình OCOP
Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, viện, trường và các đơn vị có liên quan tổ chức 5 lớp đào tạo, tập huấn về đánh giá chất lượng sản phẩm, các kiến thức cải thiện chất lượng sản phẩm và cách tiếp cận quảng bá xúc tiến thương mại. Lồng ghép với việc tuyên truyền về Chương trình xây dựng nông thôn mới trên các phương tiện thông tin đại chúng từ thành phố đến cơ sở: Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố, Đài truyền thanh quận, huyện, xã, phường, thị trấn, trên báo chí. Hỗ trợ băng rôn, áp phích tuyên truyền về Chương trình OCOP tại các quận/huyện trên địa bàn thành phố.
Tổ chức học tập kinh nghiệm về Chương trình OCOP cho các cán bộ tham gia quån lý, điều hành các cấp; các chủ thể sản xuất, lao động tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất... tại các tỉnh, thành trong và ngoài nước. Chỉ đạo các Sở, ngành, viện, trường và các đơn vị có liên quan tổ chức hoạt động như: Ngày hội giới thiệu sản phẩm OCOP với các doanh nghiệp; tọa đàm và tư vấn cho chủ thể đạt chứng nhận OCOP phát triển sản phẩm OCOP bền vững...
Về phát triển sản phẩm OCOP, thành phố Cần Thơ tổ chức sản xuất gắn với phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng: tiếp tục phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu nông sản đặc trưng được cấp mã số vùng trồng, theo hướng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, tiết kiệm tài nguyên, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, duy trì cảnh quan nông thôn, bảo vệ môi trường; tăng cường liên kết bền vững, khả năng truy xuất nguồn gốc giữa chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP với vùng nguyên liệu.
Chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và yêu cầu môi trường. Tiếp tục đẩy mạnh chuẩn hóa sản phẩm gắn với lợi thế và điều kiện của từng địa phương gồm: các đặc sản, sản phẩm truyền thống gắn với lợi thế điều kiện sản xuất, giá trị văn hóa; các sản phẩm mới hình thành dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ, nền tảng lợi thế của địa phương, có chất lượng nổi trội, đặc sắc; xây dựng bộ công cụ huớng dẫn chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn sản phẩm tham gia chương trình theo Bộ tiêu chí OCOP…