Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xã hội hóa bảo tồn đa dạng sinh học

Thứ tư, 18/10/2023 | 11:07 GMT+7
Cần tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng và các bên liên quan về tầm quan trọng của bảo tồn thiên nhiên, môi trường để nâng cao hiệu quả công tác xã hội hóa bảo tồn đa dạng sinh học.

Đây là thông tin tại tọa đàm "Xã hội hóa công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam: Nhu cầu và giải pháp", diễn ra ngày 17/10, do Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường phối hợp với Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACE), Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF Việt Nam) tổ chức.

Tọa đàm là dịp để các bên thúc đẩy, phát huy vai trò của cơ quan chính quyền Trung ương và địa phương, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, tổ chức và mỗi cá nhân trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần giảm nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã cũng như sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Đồng thời, nhận diện những rào cản, thách thức và đóng góp ý kiến xây dựng chính sách thu hút các nguồn lực, thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân, cộng đồng trong và ngoài nước tham gia thực hiện chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia về đa dạng sinh học.

Quang cảnh tọa đàm

Tại tọa đàm, ông Nguyễn Văn Trí Tín, quản lý Chương trình Quỹ bảo tồn loài - WWF Việt Nam cho biết, Việt Nam là một trong 16 quốc gia có đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Đặc biệt, Trung Trường Sơn là nơi sinh sống của nhiều loài quan trọng, bao gồm loài đặc hữu, quý hiếm, loài mới công bố. Tuy nhiên, những loài này phải đối mặt với nhiều mối đe dọa phức tạp như nạn săn trộm, đặt bẫy trên diện rộng, khai thác gỗ bất hợp pháp, phát triển cơ sở hạ tầng, tác động của biến đổi khí hậu.

Để bảo tồn các loài quan trọng, WWF đang nỗ lực hỗ trợ các vườn quốc gia, khu bảo tồn thực hiện quản lý và triển khai giải pháp bảo tồn hiệu quả. Đồng thời, đóng góp cải thiện khuôn khổ pháp lý, hợp tác quốc tế, chính sách, tăng cường năng lực thực thi pháp luật và tuyên truyền thay đổi hành vi xã hội trong bảo tồn đa dạng sinh học và các loài hoang dã. 

Ông Nguyễn Văn Trí Tín nhấn mạnh, WWF xác định cộng đồng địa phương là đối tác đồng hành quan trọng. Nỗ lực toàn cầu được thống nhất trong Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal tháng 12/2022 đã xác định, chỉ thông qua cách tiếp cận “toàn xã hội”, đảm bảo sự đại diện và tham gia đầy đủ, công bằng, hiệu quả, có trách nhiệm về giới thì mới có cơ sở thực hiện mục tiêu bảo tồn, đảm bảo cho sự thịnh vượng của thiên nhiên và con người trong tương lai.

Về giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xã hội hóa bảo tồn đa dạng sinh học, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam Nguyễn Văn Miều đề xuất, một trong những giải pháp quan trọng nhất hiện nay là tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng và các bên liên quan về tầm quan trọng của bảo tồn thiên nhiên, đa đạng sinh học. Đối với ngành này, nguồn nhân lực triển khai hoạt động thực tiễn rất quan trọng, tiếp đó là tài chính, cơ sở vật chất, kinh nghiệm, kỹ năng vận động tài trợ và uy tín của tổ chức.

Các đại biểu tham gia tọa đàm đã cùng trao đổi thông tin về nhu cầu xã hội hóa công tác bảo tồn, xây dựng cộng đồng trách nhiệm, tăng cường sự tự nguyện tham gia công tác bảo tồn đa dạng sinh học; bàn về các giải pháp thu hút nguồn lực, thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước tham gia bảo tồn đa dạng sinh học, thực hiện chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học và Công ước khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh – Montreal, công cụ chính sách, cơ chế dựa vào thị trường để thúc đẩy xã hội hóa công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

Đại diện các tổ chức bảo tồn thiên nhiên cũng chia sẻ về kinh nghiệm kết nối với các vườn quốc gia, khu bảo tồn với cộng đồng, doanh nghiệp; chính sách khuyến khích cần thiết để đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Đây sẽ là những gợi ý cho các cơ quan, tổ chức trong việc ban hành giải pháp, sáng kiến phù hợp với thực tiễn hoạt động.

Lâm Bảo (T/H)