Cụ thể, về chính sách, pháp luật: xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch bảo đảm công bằng, bình đẳng, theo hướng có lợi cho các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng và phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hóa thạch.
Hoàn chỉnh các chính sách, pháp luật về phát triển điện lực, phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và các quy định khác có liên quan để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong đầu tư phát triển điện lực.
Triển khai các biện pháp để loại bỏ bao cấp, độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng. Đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu điện.

Xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo
Về kỹ thuật, công nghệ: nghiên cứu, áp dụng công nghệ, kỹ thuật để đốt kèm nhiên liệu sinh khối, amoniac trong các nhà máy điện than, tiến tới chuyển đổi hoàn toàn vào thời điểm thích hợp. Nghiên cứu, làm chủ công nghệ và ứng dụng hệ thống thu giữ carbon (CCS) cho các nhà máy điện than; công nghệ tái sử dụng carbon. Nghiên cứu, áp dụng kỹ thuật mới trong vận hành hệ thống điện đảm bảo an toàn khi chuyển đổi từ điện than sang năng lượng sạch.
Từng bước áp dụng các biện pháp khuyến khích và bắt buộc đổi mới công nghệ, thiết bị của các ngành sử dụng nhiều điện; hạn chế sử dụng các thiết bị cũ, hiệu suất thấp trong sản xuất và sử dụng năng lượng.
Phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, phát triển các trung tâm năng lượng tái tạo, lưu trữ, cất trữ và sử dụng carbon, sản xuất các thiết bị và pin lưu trữ cho năng lượng tái tạo, sản xuất hydrogen xanh, phát triển điện gió ngoài khơi kết hợp nuôi trồng hải sản xa bờ.
Tập trung phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo trong nước, bao gồm chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo, thiết bị lưu trữ điện năng... để tăng độc lập tự chủ của ngành điện và nền kinh tế, giảm giá thành.
Nâng cấp, hoàn thiện hệ thống lưới điện theo hướng tạo thuận lợi cho việc kết nối nguồn điện từ các dự án năng lượng tái tạo nhằm tận dụng hiệu quả nguồn năng lượng này trong quá trình chuyển đổi.
Về tài chính, nguồn vốn: huy động tối đa mọi nguồn lực trong nước và quốc tế, nhà nước và tư nhân để đảm bảo nguồn tài chính thực hiện kế hoạch. Tận dụng tối đa nguồn hỗ trợ từ các nước, tổ chức quốc tế, cơ chế đa phương (Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), Sáng kiến Cộng đồng châu Á phát thải ròng bằng 0 (AZEC)…) cho thực hiện cam kết tại COP26 và Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch. Khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng.
Về nhân lực: đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu về quản lý, khoa học và kỹ thuật cho thực hiện kế hoạch chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch. Xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo và đào tạo lại cho cán bộ, công nhân của các nhà máy nhiệt điện than; các chương trình tạo sinh kế cho những người và cộng đồng chịu tác động trực tiếp và gián tiếp của quá trình chuyển đổi; chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp năng lượng tái tạo để tiến tới làm chủ về công nghệ, phát triển các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất thiết bị phục vụ những dự án năng lượng tái tạo trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Hợp tác đào tạo đội ngũ kỹ sư, cán bộ kỹ thuật và công nhân chất lượng cao phục vụ ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, phát triển ngành công nghiệp thu hồi, lưu trữ và sử dụng carbon để phục vụ mục tiêu về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Lồng ghép hoạt động nghiên cứu và phát triển trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển năng lượng.
Về hợp tác quốc tế: tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, chính phủ, doanh nghiệp nước ngoài để: tiếp thu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; nâng cao năng lực quản lý, xây dựng các chính sách, quy định liên quan; huy động tối đa nguồn hỗ trợ tài chính theo quy định.
Mở rộng hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ điện lực và năng lượng tái tạo. Tăng cường tham gia vào các chương trình hợp tác với các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp nước ngoài trong việc hỗ trợ chuyển giao công nghệ, nguồn vốn từ các đối tác nước ngoài cho phát triển lĩnh vực năng lượng nói chung và ngành điện lực nói riêng.
Về chuyển dịch công bằng và đảm bảo an sinh xã hội: nghiên cứu, đánh giá tác động của việc chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch để xây dựng chương trình hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng đảm bảo công bằng, bình đẳng, theo hướng có lợi cho các đối tượng này. Tìm kiếm nguồn vốn hỗ trợ để xây dựng quỹ an sinh đảm bảo đời sống cho người lao động bị ảnh hưởng.