Môi trường (old)

Giải thưởng sáng tạo xanh cho thanh niên

Thứ hai, 7/5/2018 | 12:06 GMT+7
Theo tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan này phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Tỉnh đoàn các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức “Giải thưởng Sáng tạo xanh” lần thứ hai trên phạm vi toàn quốc.

“Giải thưởng Sáng tạo xanh” nhằm mục đích: tạo một sân chơi bổ ích, giúp tăng khả năng tư duy, sáng tạo và hình thành nhân cách tốt cho giới trẻ; tiến tới trở thành hoạt động thường niên trong học đường; thông qua các mô hình, ý tưởng sáng tạo về bảo vệ tài nguyên và môi trường sẽ làm gia tăng mối quan tâm của giới trẻ về bảo vệ tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững, qua đó từng bước nâng cao nhận thức cộng đồng; tìm kiếm các mô hình hiệu quả để hoàn thiện ứng dụng vào cuộc sống; biên tập thành các tài liệu, ấn phẩm để giới thiệu và phổ biến trong cộng đồng.

Đối tượng tham gia là tất cả thanh thiếu niên trong độ tuổi 06 - 30 là người Việt Nam có thể tham gia với tư cách cá nhân hoặc theo nhóm (mỗi nhóm tối đa 03 người), được chia thành các nhóm: Nhóm 1: Học sinh Tiểu học và Trung học cơ sở; Nhóm 2: Học sinh Trung học phổ thông; Nhóm 3: Sinh viên các trường Trung cấp, Cao Đẳng, Đại học và các đối tượng khác có độ tuổi từ 19 – 30 tuổi.

Các tác phẩm tham dự gồm: (1) ý tưởng về bảo vệ tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững; (2) mô hình kèm theo, tập trung vào các nội dung chính sau: Tiết kiệm năng lượng; Sản phẩm thân thiện với môi trường; Bảo tồn Đa dạng sinh học; Tái chế, xử lý rác thải, nước thải, khí thải; Giải pháp về mặt chính sách, giáo dục tài nguyên, môi trường; Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bảo vệ tài nguyên và môi trường; Các công trình khởi nghiệp của Thanh niên gắn với sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khi hậu.

Các tác phẩm dự thi phải có tính mới, tính sáng tạo, có khả năng áp dụng. Tác phẩm dự thi yêu cầu phải có mô hình và thực hiện theo đúng ý tưởng của người dự thi; khuyến khích các tác phẩm có giá thành rẻ, kỹ thuật không phức tạp, định hướng dễ dàng và có tính ứng dụng cao trong thực tế. Các mô hình dự thi được làm từ vật liệu, nguyên liệu có sẵn trong nước, khuyến khích sử dụng các phế liệu trong sinh hoạt gia đình, học tập, trường lớp, sản xuất để làm ra vật dụng, các mô hình hữu ích, dụng cụ đa năng, các thiết bị máy móc, rô bốt, thiết bị tự động hóa, mô hình thông minh, ý tưởng sáng tạo trong các lĩnh vực nêu trên.

Tác phẩm bắt buộc phải có một bản thuyết minh kèm theo, trong đó nêu rõ ý tưởng sáng tạo, cách sử dụng, vận hành, tính mới, tính sáng tạo, khả năng áp dụng, hiệu quả kinh tế. Tác phẩm phải là các ý tưởng, sáng kiến, mô hình chưa đạt giải thưởng tại bất kỳ Cuộc thi nào. Tác phẩm tham dự phải đảm bảo không vi phạm bản quyền tác giả (trường hợp tác phẩm được giải thưởng bị phát hiện vi phạm bản quyền tác giả thì Ban Tổ chức thu hồi lại giải thưởng).

Giải thưởng gồm 3 vòng: Sơ khảo, Chung khảo và Chung kết. Hội đồng Sơ khảo chọn ra 30 tác phẩm dự thi xuất sắc vào vòng Chung khảo, trong đó 09 tác phẩm xuất sắc nhất vào vòng Chung kết (mỗi nhóm 03 tác phẩm). Tại vòng Chung kết, các tác giả sẽ trình bày tác phẩm trực tiếp với Hội đồng Chung khảo. Tại đây, Hội đồng Chung khảo sẽ xem xét, đánh giá đối với từng tác phẩm và cho điểm để trao giải Nhất, Nhì, 21 tác phẩm được công bố và trao giải Ba, giải Khuyến khích (mỗi nhóm gồm: 03 giải Ba và 04 giải Khuyến khích) tại Đêm Chung kết và trao giải.

Tuấn Kiệt