Báo cáo đoàn giám sát, đại diện EVN cho biết, Trung tâm điện lực Ô Môn đã được UBND thành phố Cần Thơ giao đất từ năm 2009. EVN đã hoàn thành công tác đề bù giải phóng mặt bằng từ năm 2012, tuy nhiên đến nay mới chỉ có Nhà máy nhiệt điện Ô Môn I hoàn thành đưa vào vận hành.
Từ khi nhà máy đi vào hoạt động đã tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, dân sinh trong khu vực, góp phần tạo việc làm lâu dài cho hơn 320 lao động, đóng góp đáng kể vào nguồn ngân sách địa phương. Về công tác đảm bảo môi trường, nhà máy đã thực hiện tốt các biện pháp khống chế và giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ các nguồn thải thông qua hệ thống và công nghệ xử lý hiện đại.
Đồng thời, đại diện EVN báo cáo với đoàn giám sát những vướng mắc của 2 dự án còn lại. Trong đó, dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn III vay vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản, mặc dù thành phố Cần Thơ đã phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng đề xuất dự án chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt do vướng cơ chế cho vay lại trong nước không chịu rủi ro tín dụng theo kiến nghị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, công suất của nhà máy này cũng chưa được xác định do Quy hoạch điện VIII chưa được Thủ tướng phê duyệt. Do đó, EVN kiến nghị, dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn III thuộc danh mục dự án ưu tiên đầu tư của Nhà nước để áp dụng cơ chế cho vay lại trong nước không chịu rủi ro tín dụng.
Đoàn giám sát nghe báo cáo tiến độ các dự án tại Trung tâm điện lực Ô Môn
Đối với dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn IV, EVN đã hoàn thiện hồ sơ mời thầu đối với gói thầu EPC từ năm 2020 với mục tiêu hoàn thành phát điện vào cuối năm theo 2023 (theo chủ trương đầu tư đã được Thủ tướng phê duyệt).
Tuy nhiên, việc triển khai dự án yêu cầu phải đồng bộ với tiến độ cấp khí Lô B, trong khi đó Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã điều chỉnh tiến độ cấp khí đầu tiên của Lô B vào cuối năm 2026 nên EVN dự kiến sẽ phát hành hồ sơ mời thầu gói thầu EPC vào tháng 4/2026 và triển khai các bước tiếp theo. EVN kiến nghị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đẩy nhanh tiến độ cấp khí Lô B để đảm bảo dòng khí đầu tiên vào cuối năm 2026.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết: Dự án khí điện lô B - Ô Môn có vai trò quan trọng, góp phần cung cấp điện, phục vụ cho nhu cầu tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội cho thành phố Cần Thơ nói riêng và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Do đó, thành phố đề xuất đoàn giám sát, xem xét hỗ trợ ngành điện đưa dự án khí điện lô B - Ô Môn vào danh mục các dự án trọng điểm của đồng bằng Sông Cửu Long để khai thông cơ chế tài chính cho vay lại của dự án.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội đánh giá cao những thông tin báo cáo và kiến nghị của EVN tại buổi làm việc. Qua cuộc khảo sát và làm việc lần này, đoàn giám sát đã nắm thêm nhiều thông tin hữu ích liên quan đến các khó khăn trong việc thực hiện dự án thuộc chuỗi khí - điện Lô B tại Trung tâm điện lực Ô Môn.
Đoàn giám sát đề nghị EVN tổng hợp cụ thể các ý kiến đóng góp của thành viên đoàn giám sát và lập báo cáo nêu rõ những vướng mắc, khó khăn liên quan đến cơ chế, chính sách và nhất là cơ chế cho vay lại 100% vốn ODA của chính phủ Nhật Bản đối với dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn III. Qua đó, đoàn giám sát sẽ có cơ sở tổng hợp vướng mắc cũng như kiến nghị để trình Quốc hội và Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho EVN.