Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, từ nay đến ngày 9/9, mưa to đến rất to trên địa bàn thành phố Hà Nội có thể gây lũ lớn trên sông Tích, Bùi, Cà Lồ... Do đó, các địa phương cần tăng cường giải pháp ứng phó lũ rừng ngang.
Đài Khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ dự báo, do ảnh hưởng của hoàn lưu, sau ảnh hưởng của bão số 3 nên từ ngày 7 - 9/9, thành phố Hà Nội mưa vừa, mưa to đến rất to và dông; thời gian mưa to tập trung từ chiều 7/9 đến sáng 8/9; lượng mưa phổ biến 200 - 300mm, có nơi cao hơn 350mm. Từ chiều 9/9, Hà Nội mưa vừa, có nơi mưa to.
![](/userfile/User/thanhtam/images/2024/9/7/lu-rung-20240907190402941.jpeg)
Ảnh minh họa
Do mưa lớn nên từ ngày 7 - 10/9, trên các sông ở khu vực Hà Nội xuất hiện một đợt lũ với biên độ 1,5 - 4m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ sông Đà, sông Hồng, sông Đuống ở mức dưới báo động cấp I; sông Đáy ở mức báo động lũ cấp I - II. Đặc biệt, các sông Bùi, Tích, Cà Lồ... ở mức báo động cấp II - III. Lũ trên các sông kết hợp với lượng mưa lớn từ phía tỉnh Hòa Bình đổ về sẽ tạo ra nguy cơ xuất hiện lũ rừng ngang ảnh hưởng đến địa bàn các huyện: Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức...
Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đề nghị Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện: Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức tiếp tục thực hiện nghiêm túc những chỉ đạo của cấp trên về ứng phó bão số 3; trong đó tăng cường giải pháp phòng, chống lũ rừng ngang như: kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông đi qua các khu vực nguy hiểm, trọng điểm xung yếu, nhất là các tuyến đường, công trình đê điều và khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt, sập đổ công trình bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.
Các địa phương cũng cần chủ động ứng trực, sẵn sàng triển khai kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ", bảo đảm an toàn về người, giảm thiệt hại về tài sản, không để xảy ra các tình huống bị động, bất ngờ...
Huyền Dung (T/H)