Báo cáo tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, cơn bão số 3 Yagi là cơn bão rất mạnh, hoàn lưu rộng. Vùng gió mạnh cấp 10 có bán kính khoảng 250km, vùng có gió mạnh cấp 10 khoảng 150km xung quanh mắt bão. Các trung tâm dự báo bão quốc tế đều có chung nhận định bão số 3 có cường độ trên cấp 14 - 15, giật cấp 17 khi tiến gần khu vực đảo Hải Nam (Trung Quốc).
Về ảnh hưởng của bão đến vùng biển Việt Nam, dự báo khoảng đêm ngày 6/9 và sáng ngày 7/9, bão Yagi sẽ vượt qua khu vực phía Bắc đảo Hải Nam để di chuyển vào vịnh Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ các tỉnh ven biển Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh).
Theo đó, từ ngày 7 - 9/9, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ xảy ra một đợt mưa to đến rất to. Trường hợp ít khả năng hơn là bão lệch hơn lên phía Bắc, đi dọc ven biển Quảng Tây (Trung Quốc) thì những tác động về mưa, gió sẽ giảm hơn.
Nguy cơ lớn nhất, nguy hiểm nhất hiện nay là gió rất to, sóng rất lớn trên biển dọc theo vĩ độ 19 độ vĩ Bắc, là nơi bão đi qua có cường độ gió cấp 14 - 15, gió giật cấp 17, sóng cao 8 - 10m, có thể đánh đắm tất cả các tàu thuyền, kể cả tàu trọng tải lớn. Các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô có khả năng chịu ảnh hưởng lớn của gió mạnh do bão số 3.
Quang cảnh buổi họp
Khoảng từ đêm 6/9 đến sáng 8/9, vùng biển ven bờ khu vực từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh có gió mạnh cấp 10 - 13, sóng biển cao 4 - 6m, vùng gần tâm bão có sóng cao 6 - 8m; nguy cơ cao gây ngập úng tại khu vực trũng, thấp ở ven biển, cửa sông. Các khu neo đậu tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản có nguy cơ chịu ảnh hưởng lớn của gió mạnh và sóng lớn, đặc biệt khu vực từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, đến nay, Ban chỉ đạo Trung ương và Ban chỉ huy địa phương về công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn đã nắm tình hình của cơn bão số 3. Các Đài Khí tượng thủy văn tiếp tục giữ liên hệ với các đầu mối để kịp thời thông tin diễn biến và cảnh báo nguy cơ tác động của bão.
Thứ trưởng lưu ý nguy cơ dông lốc trước cơn bão và nhấn mạnh không thể chủ quan dù bão còn cách xa đất liền. Hiện nay, thời tiết trong đất liền đang nắng nóng và độ ẩm cao, bão chỉ cần qua đảo Hải Nam là có thể gây dông lốc. Vì vậy, các đơn vị dự báo cần đánh giá kỹ các nguy cơ, sử dụng hệ thống cảnh báo dông lốc sét và đánh giá những yếu tố bất ổn định trong bờ để có cảnh báo tốt nhất.
Chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đánh giá cao các cơ quan của Bộ đã rất chủ động theo dõi, cập nhật thông tin về cơn bão Yagi. Đồng thời đề nghị các cơ quan chuyên môn của Bộ Tài nguyên và Môi trường chú trọng việc ưu tiên cho công tác dự báo, cảnh báo, cung cấp các thông tin nhanh, kịp thời, chính xác về cơn bão số 3.
Bộ trưởng khuyến nghị các đơn vị tăng cường phối hợp nhịp nhàng hơn trong việc phát huy công tác chuyên môn, tham khảo nguồn thông tin quốc tế, kết hợp dữ liệu lịch sử để có những thông tin cảnh báo sớm, kịp thời về trước, trong và sau cơn bão. Cơ quan chuyên môn cần đưa ra khuyến nghị, thông tin chuyên môn để Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai có những chỉ đạo kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế.
Bộ trưởng cũng đề nghị cơ quan chuyên môn sớm ban hành kế hoạch của Bộ Tài nguyên và Môi trường về ứng phó với cơn bão số 3; các cán bộ ngành khí tượng thủy văn nỗ lực hơn nữa để hoàn thành tốt nhiệm vụ, đưa ra những dự báo, cảnh cáo kịp thời để công tác ứng phó với bão số 3 được tốt nhất.