Trong nước

Hải Phòng: Là thành phố triển khai hiệu quả Đề án 404 của Chính phủ

Chủ nhật, 8/8/2021 | 15:23 GMT+7
NLSVN - Đề án “Hỗ trợ phát triển các nhóm trẻ độc lập tư thục tại khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020” (gọi tắt là Đề án 404), được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 3/2014, nhằm hỗ trợ nữ công nhân tại các khu công nghiệp gửi con nhỏ để yên tâm lao động, sản xuất. Đến nay, Hải Phòng có 70/70 nhóm trông trẻ tư thục được cấp phép hoạt động.

Lớp học tại Trường Mầm non tư thục Ánh Dương, 1/70 nhóm được cấp phép hoạt động.

TP Hải Phòng hiện có 12 khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong đó có 81.836 lao động nữ. Tỷ lệ nữ công nhân có con dưới 36 tháng tuổi chiếm 72,6%. Số trẻ em con công nhân lao động là 12,134 trẻ. Số lao động nữ gửi con trong các nhóm trẻ khu công nghiệp chiếm tỷ lệ là 0.5%. Số nữ công nhân gửi con trong các nhóm trẻ tại địa bàn dân cư là 70%. Trong đó, số nhóm trẻ độc lập tư thục dưới 36 tháng tuổi có đông con công nhân chưa được cấp phép trên địa bàn thành phố chiếm 46.5%.

Xác định trách nhiệm, vai trò của tổ chức trong việc triển khai thực hiện Đề án 404, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hải Phòng đã nỗ lực trong mọi hoạt động để đề án được triển khai tại Hải Phòng. Từ năm 2015, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đã tham mưu cho UBND TP Hải Phòng thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án, xây dựng Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo thực hiện Đề án.

Đến nay thành phố có 70 nhóm trẻ tư thục được Đề án hỗ trợ đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học trị giá 2 tỷ đồng. Cùng với việc các nhóm trẻ tự đầu tư 8 tỷ đồng mua sắm đồ dùng trang thiết bị dạy học, huy động sự vào cuộc của Ban giám đốc, Công đoàn các khu công nghiệp lớn với số tiền 720.000.000 đồng, đã hỗ trợ các nhóm trẻ có cơ sở vật chất khang trang hơn. Đến nay, 70/70 nhóm trẻ độc lập tư thục đã được cấp phép hoạt động.

Bà Vũ Thị Kim Liên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hải Phòngthường xuyên kiểm tra, đôn đốc các cơ sở.

Thông qua đề án, 2.350 lượt chủ nhóm trẻ, giáo viên, bảo mẫu được tập huấn kiến thức nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng chăm sóc trẻ; các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quản lý, phương pháp dạy và học giữa chủ các nhóm trẻ độc lập tư thục với Ban giám hiệu các trường công lập trên địa bàn được tổ chức; 30 giáo viên của các nhóm trẻ hưởng lợi còn được khuyến khích, tạo điều kiện theo học các lớp Trung cấp, Đại học mầm non để chuẩn hóa bằng cấp.

Cơ cấu dinh dưỡng trong các bữa ăn của trẻ đảm bảo các nhóm chất theo tháp dinh dưỡng; 100% các nhóm trẻ tuân thủ đầu tư trang thiết bị dạy học trị giá 8 tỷ đồng; kịp thời nâng cao chất lượng dạy học theo như cam kết với Đề án, giáo án của giáo viên trong mỗi giờ lên lớp tuân thủ theo giáo trình chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bà Vũ Thị Kim Liên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố cho biết: “Những kết quả của Đề án giai đoạn 2015-2020 đã góp phần giảm sự quá tải cho một số trường mầm non công lập tại Hải Phòng. Đặc biệt, tại các quận, huyện có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất; tạo việc làm cho một số giáo viên mầm non được đào tạo nhưng chưa có việc làm; dần khép lại khoảng cách giữa các trường mầm non tư thục, các nhóm trẻ độc lập tư thục với mầm non công lập".

Kết quả đạt được tuy còn khiêm tốn nhưng Đề án 404 tại Hải Phòng đã tạo hiệu ứng xã hội tốt và tính nhân văn sâu sắc. Phát huy những kết quả đã đạt được, căn cứ tình hình thực tế thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ Hải Phòng – cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Đề án 404 thành phố đã tham mưu, trình UBND thành phố và bảo vệ thành công việc triển khai Đề án 404 sau năm 2020 - đơn vị duy nhất trong cả nước tiếp tục triển khai thực hiện Đề án 404 giai đoạn 2021-2025. Kết quả thực hiện Đề án 404 sẽ góp phần thực hiện thắng lợi công tác an sinh xã hội của thành phố đến năm 2025 cũng như công tác giáo dục mầm non trên địa bàn thành phố”.

Quốc Lập - Đoàn Vĩnh