Hội nghị thượng đỉnh G20 thống nhất giới hạn tăng nhiệt là 1,5 độ C

Thứ hai, 1/11/2021 | 14:57 GMT+7
Ngày 31/10, các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) một lần nữa nhất trí với mục tiêu nỗ lực để nhiệt độ trái đất tăng không quá 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này.

Theo dự thảo cuối cùng của bản thông cáo chung trong Hội nghị, các lãnh đạo của G20 đã nhất trí về mục tiêu nỗ lực để nhiệt độ trái đất không tăng quá mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Tiêu chí này đã từng được đề ra tại Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu nhưng sẽ mang ngôn từ và hành động mạnh mẽ hơn, trong đó cần đến các hành động, cam kết đáng kể và hiệu quả từ phía tất cả các nước.

G20 tái khẳng định, giới hạn mức gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng dưới 2 độ C và lý tưởng là 1,5 độ C, đồng thời cho biết việc khống chế mức tăng nhiệt này là "trong tầm tay". Các chuyên gia cho rằng, để đạt được mục tiêu nói trên, cần phải cắt giảm 50% mức phát thải ròng vào năm 2030 và đưa về 0 vào năm 2050.

Các lãnh đạo G20 họp tại Roma (Ý)

Theo hãng tin Reuters, bản dự thảo thông cáo chung cuối cùng ít tham vọng hơn các phiên bản được đưa ra trước đó. Dự thảo không cho thấy khối G20 có được các cam kết cụ thể mới, có thể cho phép hy vọng thực hiện được mục tiêu giữ nhiệt độ không tăng quá 1,5 độ C. Đặc biệt, các quốc gia G20 thống nhất mục tiêu trung hòa về khí thải vào giữa thế kỷ nhưng không xác định rõ thời điểm hoàn thành là năm 2050 hay 2060. Các thành viên G20 cũng cam kết không tài trợ cho các dự án nhiệt điện than ở nước ngoài ngay trong năm nay, nhưng không đặt mục tiêu từ bỏ nhiệt điện than trong nước. 

Việc đàm phán và đưa ra cam kết cụ thể chưa thành công này có một phần nguyên nhân từ các nước phát thải nhiều nhất, đặc biệt là Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Brazil và Đức. Những cản trở này sẽ tạo áp lực và đẩy trách nhiệm lên việc đàm phán tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26).

Hãng tin AFP thông tin thêm, nước chủ nhà Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay là Ý đang thúc đẩy đặt mục tiêu vào năm 2050 nhưng vướng phải Trung Quốc - nước tự đưa ra thời hạn của riêng mình là vào năm 2060. Lượng phát thải carbon của các nước G20 chiếm gần 80% lượng phát thải trên toàn cầu, trong đó Trung Quốc là nước phát thải carbon lớn nhất thế giới.

Bên cạnh vấn đề về giảm phát thải, trong ngày làm việc đầu tiên, các lãnh đạo G20 cũng nhất trí coi việc bảo đảm phân phối vaccine ngừa Covid-19 một cách công bằng là vấn đề cấp bách để chống lại đại dịch. Nhiều quốc gia như Đức, Canada đã cam kết hỗ trợ hàng trăm triệu liều vaccine cho các nước nghèo.

Kết thúc Hội nghị, các nhà lãnh đạo G20 cũng đưa ra tuyên bố chung thể hiện nỗ lực phối hợp hành động để giải quyết những thách thức toàn cầu như chống đại dịch Covid-19, đảm bảo an ninh lương thực và môi trường bền vững, hỗ trợ các quốc gia nghèo trong quá trình hồi phục kinh tế, thúc đẩy bình đẳng giới...

Mộc Trà (T/H)