Bản tin môi trường số 19/2021

Thứ hai, 1/11/2021 | 09:22 GMT+7
Ngày 31/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn cấp cao Việt Nam tới sân bay Prestwick (Scotland), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), thăm và làm việc tại Vương quốc Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Anh để dự Hội nghị COP26

Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự Hội nghị COP26 diễn ra tại Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh. Nhân dịp này, Thủ tướng thăm và làm việc tại Anh từ ngày 31/10 đến ngày 3/11 theo lời mời của Thủ tướng Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland Boris Johnson.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự Hội nghị thượng đỉnh COP26 

Đón Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn cấp cao Việt Nam tại sân bay có đại diện Chính phủ Anh, Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh Nguyễn Hoàng Long và các cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Anh.

Dự kiến, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị cấp cao COP26, sự kiện công bố giảm phát thải metal toàn cầu; gặp gỡ lãnh đạo một số nước, tổ chức quốc tế tham dự Hội nghị; tiếp song phương lãnh đạo một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn, chứng kiến lễ ký kết các thỏa thuận, hoạt động hợp tác kinh tế - thương mại; gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Anh…

Cần thêm hiệp ước quốc tế chung trước vấn nạn rác thải nhựa

Mới đây, Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Singapore công bố báo cáo “Một hiệp ước mới về ô nhiễm nhựa: Góc nhìn từ châu Á”, qua đó kêu gọi chính phủ các nước cùng hợp tác xây dựng và ủng hộ một thỏa thuận toàn cầu mang tính ràng buộc pháp lý về ô nhiễm nhựa.

TS. Alison Budden, cố vấn chính sách cấp cao tại WWF Singapore đánh giá: Một hiệp ước toàn cầu mới sẽ là giải pháp cho các vấn đề còn tồn đọng trong khu vực như thiếu dữ liệu về vòng đời của nhựa, thiếu hụt kiến thức, giám sát không đầy đủ, quản lý chất thải nhựa kém hiệu quả, cũng như thiếu khả năng tiếp cận nguồn vốn và công nghệ.

Cần thêm cam kết hợp tác trong quản lý và tái sử dụng để tránh tình trạng ô nhiễm nhựa hiện nay

Đồng tình với đánh giá trên, điều phối viên Chính sách nhựa khu vực của sáng kiến "Vì một châu Á không có nhựa trong tự nhiên" Marilyn Quizon-Mercado nhận định: “Châu Á là khu vực chịu tác động nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa toàn cầu nhưng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết khủng hoảng này. Vì vậy, một hiệp ước toàn cầu mới về ô nhiễm nhựa đại dương sẽ đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, hệ sinh thái và các nền kinh tế ở châu Á, đưa ra các giải pháp khả thi cho cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa vốn đang gây các tác động nghiêm trọng trong khu vực".

Hiện nay, ngày càng có nhiều quốc gia kêu gọi đàm phán một hiệp ước toàn cầu mới, trong đó các nước thuộc khu vực châu Á như Nhật Bản, Maldives, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Đông Timo và Việt Nam đều tán thành về tính cấp thiết của việc thành lập một hiệp ước Liên Hợp Quốc mới về ô nhiễm nhựa. Đây cũng là quan điểm của hơn 2/3 các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, hơn 75 doanh nghiệp và 2,1 triệu người dân toàn cầu.

Giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông

Mới đây, hội thảo "Thực trạng và giải pháp giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông nhằm chống biến đổi khi hậu và bảo vệ sức khỏe cộng đồng" đã được tổ chức. Hội thảo được kỳ vọng là dịp để các chuyên chia sẻ góc nhìn khoa học về những vấn đề đáng quan tâm hiện nay như: giao thông và biến đổi khí hậu ở Việt Nam; ô nhiễm không khí do khí thải giao thông; kết nối người dân với giao thông công cộng... Qua đó, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội trong ngắn và dài hạn, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông.

Giảm khí thải từ hoạt động giao thông vận tải để bảo vệ môi trường và cuộc sống của người dân

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học cùng thống nhất quan điểm, Việt Nam là một trong số quốc gia thuộc nhóm đầu chịu tác động của biến đổi khí hậu. Đáng chú ý, hai thành phố lớn Hà Nội và TPHCM hiện có tổng lượng bụi liên tục tăng cao, khiến chỉ số chất lượng không khí (AQI) luôn ở mức báo động ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Theo đó, các chuyên gia đã nêu những giải pháp hữu hiệu trong thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển đất nước xanh, bền vững, đảm bảo an sinh xã hội. Cụ thể, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải Nguyễn Thị Phương Hiền đã đề xuất một số biện pháp nhằm đạt được lượng giảm phát thải khí nhà kính theo kỳ vọng của ngành giao thông vận tải. Đó là ưu tiên phương tiện sử dụng nhiên liệu mới và tiêu chuẩn phát thải mới, tăng cường yếu tố tải trọng của xe tải; chuyển đổi vận chuyển hành khách cá nhân sang công cộng (mở rộng hệ thống xe buýt, hệ thống BRT, triển khai hệ thống metro); chuyển đổi vận tải hàng hóa; thay đổi nhiên liệu (khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học E5/E10; xe điện)…
 

Gia Linh