Nông nghiệp sạch

Hợp tác nghiên cứu khoa học trong phát triển nông nghiệp với Australia

Thứ tư, 8/5/2024 | 16:13 GMT+7
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa làm việc với Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Australia (ACIAR) về tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học trong phát triển nông nghiệp, tăng trưởng xanh.

Cụ thể, tại cuộc họp đối tác 2024: Hợp tác nghiên cứu nông nghiệp Việt Nam – ACIAR để thảo luận về chiến lược hợp tác và các ưu tiên nghiên cứu thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, ngành nông nghiệp Việt Nam mong muốn hợp tác chặt chẽ với ACIAR trong xây dựng kế hoạch tăng cường năng lực nghiên cứu về lĩnh vực nông nghiệp, từ đó đạt được mục tiêu của Việt Nam về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Thứ trưởng cho biết, Bộ NN&PTNT và ACIAR đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác vào tháng 3/2024 về tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học trong phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Do đó, Bộ mong muốn hợp tác chặt chẽ với ACIAR để lên kế hoạch cho việc tăng cường năng lực nghiên cứu nông nghiệp mang tính quy mô và chiến lược nhằm đạt được các mục tiêu của Việt Nam về tăng trưởng xanh, phát triển nền nông nghiệp đa giá trị, đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân.

Tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học trong phát triển nông nghiệp, tăng trưởng xanh

Tại buổi làm việc, ông Andrew Goledzinowski, Đại sứ Australia tại Việt Nam chia sẻ, hiện tại nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế vô cùng quan trọng của Việt Nam và Australia. Tầm quan trọng của ngành không chỉ nằm ở doanh thu mà còn liên quan đến văn hóa.

Đại sứ Andrew Goledzinowski nhận định, Việt Nam và Australia đã trở thành đối tác chiến lược toàn diện của nhau và ACIAR sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu về phát triển nông nghiệp, nông thôn thông qua hợp tác nghiên cứu hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ NN&PTNT giới thiệu 5 lĩnh vực nghiên cứu đặc biệt quan trọng đối với nông nghiệp Việt Nam bao gồm: trồng trọt – bảo vệ thực vật, chăn nuôi – thú y, thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi – phòng chống thiên tai.

Trong đó, trong lĩnh vực chăn nuôi – thú y, Việt Nam tập trung nghiên cứu chọn tạo giống vật nuôi chủ lực có năng suất, phục vụ chăn nuôi nông hộ, trang trại; nghiên cứu sản xuất các loại vaccine, thuốc thú y thế hệ mới, các loại thức ăn chăn nuôi, thức ăn bổ sung thay thế thức ăn thô…

Về thủy sản, Việt Nam nghiên cứu làm chủ công nghệ giống thủy sản chủ lực, sinh trưởng nhanh, kháng bệnh, chống chịu mặn; nghiên cứu dự báo dịch bệnh, làm chủ công nghệ vaccine; nghiên cứu, phát triển công thức thức ăn thủy sản.

Trong trồng trọt - bảo vệ thực vật, Bộ tập trung vào nghiên cứu giống cây trồng chủ lực; bảo tồn, phục tráng, phát triển các giống cây trồng bản địa, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu.

Ở lĩnh vực lâm nghiệp, Việt Nam nghiên cứu chọn, tạo và chuyển giao các giống cây trồng lâm nghiệp chủ lực để trồng rừng gỗ lớn, rừng phòng hộ, rừng ngập mặn; cây lâm sản ngoài gỗ có năng suất, chất lượng; nghiên cứu xây dựng bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định trong tiếp cận cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon.

Đối với thủy lợi - phòng chống thiên tai, Việt Nam tập trung phát triển công cụ hỗ trợ điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, an toàn hồ đập, năng lực quản lý vận hành công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy cũng đề xuất hướng hợp tác nghiên cứu với Australia. Trước mắt cần xây dựng mối liên kết hợp tác lâu dài giữa các trường đại học ngành nông nghiệp của Việt Nam và Australia để trao đổi sinh viên, giảng viên, hợp tác nghiên cứu khoa học. Định kỳ tổ chức hội nghị chuyên gia, hội thảo khoa học giữa hai nước để thảo luận về một số vấn đề ưu tiên nghiên cứu, từ đó, hình thành các nghiên cứu chung, đồng tài trợ theo nguyên lý cùng thắng. Xây dựng chương trình đào tạo ngắn hạn, dài hạn, sau đại học, sau tiến sỹ để phát triển nhóm cán bộ chuyên sâu.

Bên cạnh đó, thương mại hóa các sản phẩm khoa học của hai nước, xây dựng cơ chế chung để kết nối các doanh nghiệp vừa và nhỏ của hai bên và thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông qua chuyển giao công nghệ nông nghiệp từ Australia vào Việt Nam…

Việt Nga (T/H)