Nông nghiệp sạch

Hợp tác phát triển ngành sắn Việt Nam giai đoạn 2025 - 2030

Chủ nhật, 11/8/2024 | 00:45 GMT+7
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã vừa làm việc với Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới (CIAT) để trao đổi về việc hợp tác phát triển ngành hàng sắn giai đoạn 2025 - 2030.

Buổi làm việc nhằm trao đổi, thảo luận các nội dung liên quan đến phát triển bền vững cây sắn tại Việt Nam với mục tiêu không mở rộng diện tích nhưng tăng năng suất, sản lượng, chất lượng, giảm thiểu sâu bệnh; xây dựng chương trình hợp tác với CIAT về phát triển ngành hàng sắn giai đoạn 2025 - 2030.

Theo số liệu của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO), đến năm 2022, Việt Nam là quốc gia sản xuất sắn đứng thứ 9 về diện tích, thứ 7 về sản lượng sắn trên thế giới.

Giai đoạn 2015 - 2023, diện tích, sản lượng sắn Việt Nam có xu hướng giảm (diện tích sắn giảm bình quân 1,1%/năm; sản lượng sắn giảm bình quân 0,11%/năm). Sản lượng đạt xấp xỉ 10,6 triệu tấn, diện tích dao động từ 500.000 - 550.000ha. Năng suất sắn của Việt Nam đạt trung bình 19 - 20 tấn/ha, đứng thứ 5 trong số 10 nước sản xuất sắn hàng đầu. Năng suất sắn có xu hướng tăng, hiện tương đương với Thái Lan và bằng 73% so với Campuchia.

Phát triển bền vững ngành hàng sắn Việt Nam

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, đến năm 2023, ở Việt Nam cây sắn được sản xuất theo 5 vùng sinh thái gồm: vùng trung du miền núi phía Bắc có diện tích trên 100.000ha, sản lượng đạt 1,3 triệu tấn, tập trung tại các tỉnh Sơn La, Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu, Hòa Bình. Vùng Bắc Trung Bộ có diện tích hơn 50.000ha, sản lượng trên 0,95 triệu tấn, tập trung tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị. Vùng duyên hải Nam Trung Bộ có diện tích đạt 89.000ha, sản lượng 1,83 triệu tấn, tập trung tại các tỉnh Phú Yên, Bình Thuận, Quảng Ngãi, Bình Định. Vùng Tây Nguyên có diện tích sắn hơn 166.000ha, sản lượng 3,371 triệu tấn, tập trung tại các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum. Vùng Đông Nam Bộ có diện tích gần 95.000ha, sản lượng 2,86 triệu tấn, tập trung tại các tỉnh Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu…

Về chế biến sắn, hiện cả nước có 142 nhà máy chế biến tinh bột sắn, với tổng công suất thiết kế 13,4 triệu tấn củ tươi/năm.

Việt Nam là nước xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn đứng thứ 3 thế giới sau Thái Lan, Campuchia và đứng thứ 2 về kim ngạch xuất khẩu (chỉ sau Thái Lan). Sản phẩm sắn là một trong 13 sản phẩm nông sản chủ lực xuất khẩu của Việt Nam. Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm 91,5% về lượng và chiếm 91% về trị giá trong tổng xuất khẩu của cả nước, đạt 2,7 triệu tấn, trị giá 1,18 tỷ USD. Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam sang Trung Quốc năm 2023 ở mức 438,9 USD/tấn, tăng 1,7% so với năm 2022.

Thời gian qua, các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT đã có nhiều dự án phối hợp với CIAT như: điều tra khảo sát và thu thập các mẫu giống sắn trên cả nước thông qua công nghệ dấu vân tay (DNA fingerprinting) để xác định các nhóm giống sắn; nghiên cứu so sánh 682 hộ chỉ trồng giống sắn cải tiến và 238 hộ trồng giống địa phương hoặc cả giống địa phương và giống cải tiến. Thực hiện dự án “Thiết lập các giải pháp bền vững đối với bệnh hại trên cây sắn ở khu vực Đông Nam Á giai đoạn 2020 - 2023", qua đó tiếp nhận nguồn gene có khả năng kháng bệnh khảm lá của CIAT, sử dụng vật liệu để lai tạo và tạo được nhiều tổ hợp có triển vọng về tính kháng bệnh cũng như tăng năng suất củ tươi, hàm lượng tinh bột. Thúc đẩy cải thiện sinh kế thông qua các biện pháp can thiệp theo định hướng nhu cầu để sản xuất và chế biến các giống sắn Sa21-12, Sa06, BKA900; thực hiện chương trình Phát triển hệ thống sản xuất sắn bền vững thông qua quản lý sâu bệnh hại tại Việt Nam, Campuchia và Thái Lan...

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung mong muốn CIAT tiếp tục cùng với Bộ và các đơn vị tăng cường hợp tác trong việc phát triển giống sắn Việt như xây dựng cơ sở dữ liệu về giống sắn, nguồn gene sắn; hỗ trợ chương trình lai tạo và chọn lọc giống sắn kháng bệnh, năng suất cao; cung cấp nguồn gene sắn kháng bệnh từ các nguồn gene quốc tế. Tiếp tục hoàn thiện quy trình nhân giống sắn sạch bệnh ở nông hộ và mở rộng mô hình nhân giống sắn sạch bệnh. Xây dựng, soát xét những tiêu chuẩn Việt Nam về giống sắn (khảo nghiệm, chất lượng giống sắn…). Xây dựng và nhân rộng quy trình sản xuất sắn phù hợp với các vùng sinh thái, địa hình khác nhau, đặc biệt là trên đất dốc đảm bảo năng suất, chất lượng sắn nhưng vẫn duy trì được sức khỏe đất tại các vùng trồng sắn.

Đồng thời, phát triển hệ thống giám sát, cảnh báo sớm về sâu, bệnh hại cây sắn, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dự tính, dự báo sinh vật gây hại trên cây sắn. Hợp tác nghiên cứu và phát triển các biện pháp phòng trừ sinh học, sử dụng thiên địch, vi sinh vật có lợi để kiểm soát mầm bệnh. Nghiên cứu những giải pháp khoa học công nghệ phòng chống tổng hợp nhóm bệnh có nguồn gốc trong đất hại cây sắn tại Việt Nam. Tiếp tục phát triển, chuyển giao công nghệ sản xuất các sản phẩm từ sắn. Xây dựng bộ tài liệu tập huấn cho người dân, doanh nghiệp, cán bộ quản lý địa phương về quy trình canh tác, quản lý, sản xuất giống sắn.

Ông Newby Jonathan, Giám đốc Chương trình sắn toàn cầu CIAT cho biết, đã đến lúc cần phải có chiến lược phát triển bền vững về sắn, cần có những định hướng quy hoạch phù hợp cho từng vùng sinh thái. Cây sắn là sinh kế của những người yếu thế, người nghèo, các nông hộ nhỏ. Do đó, các nhà tài trợ cần phải dành nhiều nguồn đầu tư để cải thiện về mặt sinh kế cho bà con.

Liên quan đến việc phòng sâu bệnh trên cây sắn, ông Newby Jonathan khuyến cáo ngành chức năng và các địa phương không nhập các giống sắn lạ, đặc biệt là từ châu Phi về trồng bởi dễ làm lây lan virus có thể hủy hoại cả vùng trồng, gây thiệt hại nặng nề.

Ngành sắn Việt Nam, thị trường Việt Nam rất quan trọng trong ngành sắn toàn cầu. Trong thời gian tới, CIAT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT và các đơn vị liên quan, các địa phương để thực hiện giải pháp phát triển bền vững. Tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm các giống sắn mới có năng suất, chất lượng và chống chịu tốt với sâu bệnh hại.

Bảo Ngọc (T/H)